Gặp những người treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris
Chiều 18-11, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ báo chí với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard - những người Thuỵ Sĩ trong “Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao Nhà thờ Đức Bà ở Paris (1969)”.
Vào thời điểm trước thềm những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam (tháng 1-1969), ông Bernard Bachelard (26 tuổi) là giáo viên thể dục, ông Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và ông Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý. Họ cũng là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó tại Việt Nam.
Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Lausane nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris là một sự kiện đáng để “ăn mừng”, vì điều đó dẫn đến sự công nhận của quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn một địa điểm cao, một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ngày 19-11-1969, theo kế hoạch do ông Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, ông Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, ông Bernard Bachelard leo lên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà với sự hỗ trợ của ông Olivier Parriaux và treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất. Sau khi hoàn thành việc cắm cờ, họ đã ghé qua trụ sở nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình.
Lá cờ với hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nền trời xanh Paris, 6 ngày trước khi hội nghị bốn bên họp tại thủ đô này, đã thu hút những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch. Sự kiện trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác vào thời điểm ấy.
Sau hơn nửa thế kỷ, 2 trong số 3 người từng tham gia treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đã có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã chia sẻ tình cảm, câu chuyện của mình đối với đất nước mà họ từng có hành động dũng cảm để ủng hộ hòa bình.
Chuyến thăm lần này là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi, phát triển của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sau gần 50 năm non sông thu về một mối. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân những người bạn đã ủng hộ, đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc.