Nông nghiệp

Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn dịp cuối năm

Ngọc Quỳnh 18/11/2024 - 07:13

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Với khoảng 10 triệu người dân đang sinh sống, làm việc, học tập và hàng triệu du khách trong nước, quốc tế tới tham quan, nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của Hà Nội là rất lớn. Do đó, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội tích cực kết nối với các tỉnh, thành phố tạo nguồn cung nông sản sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô…

cung-1(1).jpg
Nhiều mặt hàng nông sản sạch của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ tại hội chợ do ngành Nông nghiệp tổ chức. Ảnh: Hương Giang

Sẵn sàng nguồn cung nông sản với số lượng lớn

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ Trần Tú Anh cho hay: Sản phẩm rau an toàn đạt chuẩn VietGAP là một trong 123 chuỗi nông sản, thực phẩm của tỉnh Phú Thọ có tiềm năng đưa vào hệ thống siêu thị trên thị trường Hà Nội. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang - Chi nhánh tại Hà Nội Nguyễn Nam Phong, trong nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trái cây ăn quả của Tiền Giang, gần 3 năm qua, đơn vị Vĩnh Kim đã mở chi nhánh, đưa hàng hóa đặc sản ra Hà Nội tiêu thụ. Mỗi năm, hợp tác xã tiêu thụ tại thị trường Hà Nội khoảng 50-60 tấn trái cây thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các đơn vị, doanh nghiệp chế biến nông sản.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu của Hà Nội là: Gạo 96.700 tấn, thịt lợn 19.300 tấn, thịt bò 5.350 tấn, thịt gà 6.400 tấn, thủy sản 19.250 tấn, trứng gia cầm 129 triệu quả. Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cũng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 5.350 tấn thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ và 56.000 tấn trái cây. Với diện tích đất nông nghiệp hơn 189.000ha, sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất được hiện nay đáp ứng 35-70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng cây trồng vụ đông. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì, phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, một số tỉnh cung ứng về Hà Nội như: Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả; Công ty WinEco Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội hơn 2.000 tấn rau, củ. Với tỉnh Hà Nam: Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội hơn 1.000 tấn thịt lợn, Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho Hà Nội; tỉnh Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau cho Hà Nội với hơn 66.000 tấn; tỉnh Đắk Lắk cung cấp hơn 3.000 tấn trái cây…

Nhìn chung, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng, góp phần ổn định sản lượng. Các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn đáp ứng đầy đủ quy trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu thụ qua các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Sản xuất theo nhu cầu kết hợp kiểm soát chất lượng

Hiện nay, các chuỗi cung ứng nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố về Hà Nội còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ...; đồng thời chất lượng sản phẩm từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng thấp; hoạt động liên kết đưa sản phẩm của các hợp tác xã, hộ nông dân tiêu thụ trong các siêu thị và chuỗi cửa hàng hiện đại gặp nhiều khó khăn, thách thức về sự ổn định về chất lượng, giá cả, vận chuyển, bảo quản...

Để đáp ứng nhu cầu nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho hay, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô. Sở tiếp tục duy trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao vào các dịp cao điểm.

Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong việc đưa nông sản thực phẩm, sản phẩm đặc sản về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội giúp kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản khi đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường.