Văn nghệ

Lãng phí tài năng nghệ thuật trẻ

Người Lái Đò 17/11/2024 - 08:07

Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” diễn ra giữa tuần qua tại Hà Nội, do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật tổ chức, đã phản ánh thực trạng lãng phí tài năng trong đời sống nghệ thuật.

Câu chuyện gây nhiều chú ý và xót xa nhất là từ nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu, diễn viên ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Theo nghệ sĩ trẻ này, có 6 nghệ sĩ ballet trẻ đã phải nghỉ việc sau một năm về nhà hát làm việc. Là một nghệ sĩ được đào tạo ballet ở Mỹ, Vũ Đức Hiếu chọn trở về nước hoạt động với mong muốn cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật ballet nước nhà. Nhưng mỗi năm nhà hát chỉ dựng không quá hai vở. Hầu hết các nghệ sĩ ballet đều loay hoay không biết làm gì sau khi vở diễn hoàn thành. Theo quy định, các nhà hát không được dùng cơ sở vật chất để kinh doanh dịch vụ khác khiến nhiều đơn vị không có nguồn thu, phải cắt hợp đồng nhiều nghệ sĩ.

Múa ballet là một nghề phải được đào tạo bài bản từ nhỏ, trong vòng ít nhất 6-7 năm, trong khi tuổi nghề lại ngắn. Các tài năng trẻ đang sung sức cống hiến, nhưng ở các đơn vị nghệ thuật, nhất là đơn vị công lập, với số lượng vở diễn ít ỏi như vậy, khiến họ không có điều kiện được làm nghề, phát huy tài năng. Cho nên, việc họ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác là điều dễ hiểu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các đơn vị nghệ thuật không giữ chân được các tài năng trẻ hoặc lãng phí tài năng.

Nhiều đề xuất đáng quan tâm như thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật để tài trợ học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp cho tài năng trẻ. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những dự án văn hóa, nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ… Thế nhưng lãng phí thì vẫn đang tồn tại.