Mặt bằng giá chung cư ở Hà Nội bị đẩy lên rất cao
Mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức cao chưa từng có, mà tính cơ học với đồng lương viên chức phải mất hàng chục năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua nhà ở.
Sáng 16-11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển".
Theo Ban tổ chức, cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có, mà với đồng lương viên chức phải mất hàng chục năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua nhà ở.
Cơ quan chức năng đã chỉ ra tình trạng đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá áo nhằm trục lợi, thao túng thị trường. Bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thị trường bất động sản đang tồn tại cơ cấu nhà ở chưa hợp lí, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền. Riêng tại thành phố Hồ Chi Minh, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở có giá bán dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng mặt trên thị trường. Còn nhà ở xã hội, đến nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 12.000 căn. Thị trường đang ở trạng thái kim tự tháp ngược, dẫn đến sự phát triển không ổn định, thiếu bền vững.
Từ những vấn đề đang tồn tại của thị trường bất động sản, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia đã thảo luận về nguyên nhân từ thể chế, chính sách, các điểm nghẽn cần được tháo gỡ để thống nhất giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Nhấn mạnh đến vai trò quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu, thị trường bất động sản có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Để phát triển một dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì, đồng bộ giải pháp của các cấp, ngành và các chủ thể tham gia thị trường.
Thị trường bất động sản trong năm 2024 có nhiều cơ hội - thuận lợi, vấn đề nhà ở được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất Đai 2024 có hiệu lực góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi, thách thức của thị trường vẫn còn không ít. Trong đó lớn nhất là tình trạng “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm, khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút.
Ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia tại diễn đàn sẽ là tài liệu tham vấn cho các cơ quan hữu quan, nhằm gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản, tài chính bất động sản… hướng đến mục tiêu lý tưởng “mọi người dân đều có nhà để ở”.