Văn hóa

10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW: Hiện thực sinh động nhìn từ Hà NộiBài 2: Phát triển văn hóa gắn với phát triển con người

Nhóm phóng viên 16/11/2024 13:34

10 năm qua, dấu ấn con người trong các hoạt động phát triển văn hóa ở Hà Nội tiếp tục được xác lập trên nhiều mảng nhiệm vụ của Nghị quyết 33-NQ/TW, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng môi trường văn hóa từ nông thôn mới tới đô thị văn minh.

hnm.1cdn.vn-2024-11-09-_z6016344537470_63bda17e24d8870c78c2149ad0fff7cd.jpg
Một tiết mục biểu diễn ấn tượng tại khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Quang Thái

Nếp sống mới, con người mới

Sau đợt mưa lũ do siêu bão Yagi gây ra, không gian vườn hoa ven sông có diện tích khoảng 20.000m², vốn là mô hình “Đoàn kết - Sáng tạo năm 2024: Vườn hoa trong Làng gốm cổ” do MTTQ xã Kim Lan và Hội Gốm sứ Kim Lan triển khai với khoảng 3 tỷ đồng đầu tư từ nguồn đóng góp của Hội Gốm sứ Kim Lan cùng nhân dân trong làng, bị chìm trong bùn nước. Nhưng như chia sẻ của Chủ tịch MTTQ xã Kim Lan Nguyễn Thị Huệ, điều còn lại chính là tinh thần gắn kết làng xã, ý thức chủ động tạo dựng môi trường văn hóa của chính cộng đồng người dân Kim Lan và đó là điều cốt yếu để cùng nhau xây dựng lại từ đầu.

Cùng với nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khác trong suốt một thời gian dài đã mang đến cho Kim Lan những kết quả cụ thể, đầu tháng 8-2024, Thành phố đã công nhận điểm du lịch Kim Lan. Bảo tàng gốm sứ xã Kim Lan - mô hình bảo tàng khảo cổ học cộng đồng đầu tiên của Việt Nam được mở cửa trở lại và duy trì nhờ chính lực lượng nghệ nhân và người dân của làng.

Không khó để tiếp tục nhận diện sự chuyển động và tác động của môi trường văn hóa đến chính mỗi chủ thể sống từ nông thôn đến thành phố.

Thành đoàn Hà Nội có nhiều hoạt động đa dạng đi vào đời sống, chạm đến thế hệ trẻ. Đơn cử như là số hóa dữ liệu “địa chỉ đỏ”. Sau một năm triển khai (từ năm 2023), đến nay đã có 150 điểm di tích được số hóa (VR360) và một không gian thực tế ảo với các tính năng ưu việt như chức năng cá nhân hóa gương mặt; chức năng Chatbot AI (sử dụng Chat GPT); hệ thống bản đồ số 150 điểm di tích ở Hà Nội... Rồi Hội đồng Đội thành phố Hà Nội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo và Công ty Môi trường đô thị Urenco đã cùng bắt tay để đưa mô hình nhà phân loại rác thân thiện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, thí điểm tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Đến tháng 4-2024, đã có hơn 400 nhà phân loại rác thân thiện được triển khai làm mới hoặc cải tạo hiện diện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, góp phần định hướng thế hệ trẻ chung tay hành động bảo vệ môi trường.

Mỗi chuyển động trong xây dựng môi trường văn hóa ở các lĩnh vực xã hội như một mạch ngầm khơi dậy lòng yêu Thủ đô và đặc biệt là hành động sáng tạo vì Thủ đô và sự phát triển bền vững của chính cá nhân, cộng đồng. Đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, nhìn tổng thể, chương trình “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020” của Thành phố “đã dành nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước”. Đặc biệt, “Giai đoạn năm 2021 - 2025, dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách Thành phố; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 về nâng mức đầu tư 49.200 tỷ đồng, với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 (227 dự án Thành phố đầu tư, 1.083 dự án Thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025, tạo đà cho sự phát triển văn hóa và con người Hà Nội”.

Con người - trung tâm của văn hóa

Những ngày bão lũ đầu tháng 9 vừa qua, người dân vùng bãi ven sông Hồng ở Hà Nội vẫn thấy tác phẩm gương kính của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn trụ vững trong mưa gió, thậm chí còn như “tương tác” khi phản chiếu dòng nước lũ. Đã 4 năm trôi qua, dự án nghệ thuật khu vực bờ vở sông Hồng do các nghệ sĩ thực hiện mang đến diện mạo mới cho vùng bãi đến nay vẫn được UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) quản lý, giữ gìn và được các nghệ sĩ nỗ lực duy tu từ nguồn xã hội hóa. Một mô hình đánh thức cảm hứng của việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh một cách thực chất sẽ tác động lâu dài tới xây dựng con người Thủ đô văn minh trong cách ứng xử, cộng hưởng với môi trường, cộng đồng.

Trong một lĩnh vực khác, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Hàng nghìn buổi biểu diễn nghệ thuật được tổ chức mỗi năm đã có những tác động rất tích cực đến việc xây dựng môi trường văn hóa cho công chúng Thủ đô. Đây chính là đưa nghệ thuật phục vụ con người, giúp con người được hoàn thiện hơn về văn hóa”. Nghệ sĩ Thúy Mùi đặc biệt nhấn mạnh: “Khi còn công tác ở Nhà hát Chèo Hà Nội, mỗi lần chúng tôi đến biểu biễn ở vùng sâu, vùng xa, bà con đã vô cùng xúc động bởi trước đó chưa từng có đoàn nghệ thuật nào tới được để phục vụ nhân dân. Thế nhưng đến nay, những vùng “trắng” nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp đã không còn”.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di tích và tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; với danh mục 5.922 di tích lịch sử, văn hóa và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Điều này mở ra những điều kiện hết sức cơ bản cho bảo tồn di sản ở thành phố. Dự án “Đình trong phố” mang đến một sức sống và hướng đi mới thú vị cho bảo tồn di sản gắn với phát triển văn hóa, du lịch khi đưa hoạt động triển lãm, quảng bá nghề truyền thống vào không gian 7 ngôi đình tổ nghề như Kim Ngân, Hà Vĩ, Tú Thị... Khách du lịch thêm hiểu thành phố và người dân đặc biệt là giới trẻ cũng nảy nở những khát vọng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô. Năm 2022, du lịch Thủ đô đã tạo được điểm nhấn quan trọng là xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng trên cơ sơ phát huy giá trị di sản văn hóa, như khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; ra mắt sản phẩm tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”; tour văn học; khai trương các tuyến phố đi bộ mới ở Thành cổ Sơn Tây, tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã... Theo chia sẻ của TS Nguyễn Anh Thư, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội là địa phương hiện có số lượng bảo tàng ngoài công lập lớn nhất so với cả nước.

Nhắc đến Hà Nội cũng là nhắc đến số lượng không gian sáng tạo phát triển liên tục trong một thập niên qua và có những đóng góp quan trọng cho việc đưa Hà Nội trở thành thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019. Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024 đang diễn ra với hàng chục sự kiện lớn nhỏ trải khắp nhiều lĩnh vực sáng tạo, đánh thức các không gian văn hóa tiếp tục là một biểu hiện sinh động của quá trình Hà Nội thực sự vun đắp cho hành trình đi tới này.

Cho dù bề dày phát triển khác nhau, nhưng sự trăn trở, hành động và kết nối một cách mạnh mẽ và rõ rệt hơn là không thể phủ nhận khi môi trường văn hóa được chăm lo, góp phần bồi đắp ý thức cho con người. Sự kiện Hội thảo tham vấn “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” trước đó của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam một lần nữa cho thấy điều đó khi diễn đàn có sự chia sẻ thẳng thắn của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đại diện các cơ quan quản lý và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp văn hóa.

Chính nhờ văn hóa được khơi đúng mạnh nguồn đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển có tính “bứt phá”. Đến nay, tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP của thành phố đã vượt 67%, hoàn thành sớm mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 về cơ cấu kinh tế; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô Hà Nội. Từ đây, có thể thấy rõ điều quan trọng không kém là khi văn hóa phát triển gắn chặt với mục tiêu xây dựng con người, thì quá trình đó cũng đồng thời thúc đẩy con người quay trở lại sáng tạo không ngừng, vừa làm cho “vốn văn hóa” của Hà Nội càng thêm tỏa sáng, vừa thổi luồng gió mới vào môi trường phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

(Còn tiếp)