Việc cấp "sổ đỏ" đất ở vượt hạn mức tại huyện Sóc Sơn: Sớm giải quyết dứt điểm tồn tại
Trong quá trình rà soát, xác minh nguồn gốc đất để giải phóng mặt bằng, phục vụ Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn phát hiện từ năm 1998 đến năm 2013, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp 136 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ("sổ đỏ") vượt hạn mức cho người dân.
Sự việc này không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn khiến cho công tác thu hồi đất hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định, hạn mức đất ở tại huyện Sóc Sơn là 300m2 đối với một hộ gia đình, cá nhân sống ở đồng bằng và 400m2 tại các xã trung du. Thế nhưng, qua số liệu thống kê của chính quyền các địa phương gửi đến thì từ năm 1993 đến năm 2012, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt hạn mức đất ở cho người dân. Đáng chú ý, tất cả những "sổ đỏ" này đều không có giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 nhưng có thời điểm sử dụng đất trước năm 1980. Nhiều hộ có diện tích đất vượt gấp 5 lần hạn mức, hiện đã chia tách, chuyển quyền sử dụng cho người khác.
Riêng tại các xã có đất bị thu hồi (gồm Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn) để phục vụ thi công dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phát hiện có 136 hộ dân được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2013. Trong đó, xã Nam Sơn có 63 hộ gốc, đến nay đã biến động thành 112 hộ/135 thửa đất. Khi nhận được phương án thu hồi đất, đa số đều không đồng tình với chính sách hỗ trợ, bồi thường theo nội dung Quyết định số 3232/QĐ-UB ngày 9-8-1999 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.
Trao đổi với một số hộ dân trong diện không được xét duyệt tái định cư, phóng viên Báo Hànộimới được biết, việc người dân chưa đồng tình với chính sách thu hồi đất là do sau khi nhận "sổ đỏ", các hộ đã chia tách đất cho con cái xây dựng nhà ở, nếu không được bố trí tái định cư sẽ không có nơi ở...
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn, nguyên nhân dẫn đến việc cấp "sổ đỏ" đất ở vượt hạn mức là do tại thời điểm kê khai, cấp "sổ đỏ", UBND xã Nam Sơn đã xét duyệt sai nguồn gốc đất. Mặt khác, giai đoạn trước năm 2014, công cụ quản lý kém, chỉ dựa trên bản đồ giấy, không có bản đồ số như bây giờ để rà soát, đối chiếu thực trạng, nguồn gốc sử sụng đất của người dân.
Ngày 13-11-2024, có mặt tại xã Nam Sơn, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy do chưa có mặt bằng nên việc thi công Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Hoàng Văn Chung cho biết, toàn xã vẫn còn 92 hộ chưa đồng tình với nội dung văn bản chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn về việc thu hồi và hủy "sổ đỏ" đã cấp. Để công tác giải phóng mặt bằng đạt tiến độ, ngày 25-2-2021, UBND xã Nam Sơn đã có Thông báo số 28/TB-UBND về việc thu hồi "sổ đỏ" đến 63 hộ gia đình. Đến ngày 16-4-2024, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục có Báo cáo số 188/BC-UBND cho biết trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp (vào thời điểm năm 2019), một số hộ sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ (đợt 1) đã chủ động nhận chuyển nhượng 1 thửa đất ở khác trên địa bàn xã. Thời điểm nhận chuyển nhượng của các hộ được thực hiện trong khoảng thời gian từ khi có thông báo thu hồi đất đến trước thời điểm UBND huyện lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với đất ở nên khi thu hồi đất lần 2 thì ngoài đất ở tính theo hạn mức, những diện tích phụ trội đều được tính là đất nông nghiệp.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cũng cho biết, nhằm xem xét hỗ trợ cho người dân đã nhận tiền bồi thường đối với đất nông nghiệp có đất tái định cư, ngày 30-10-2023 UBND huyện đã có Tờ trình số 8308/TTrLN-STNMT-STC-SXD-HSS đến UBND thành phố Hà Nội, đề nghị được sửa đổi một số điều tại Quyết định số 3232/QĐ-UBND, nhưng đến nay chưa được chấp thuận.
Đến thời điểm này có hơn 1.000 trường hợp đã nộp lại "sổ đỏ" cho chính quyền điều chỉnh lại hạn mức đất ở, còn lại khoảng 11.000 sổ đã cấp vượt hạn mức chưa được thu hồi. UBND huyện đang yêu cầu các xã rà soát để điều chỉnh. Từ thực tế đó, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.