Điểm nóng

Phương Tây đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine: Những rủi ro khôn lường

Hoàng Linh 16/11/2024 - 07:14

Hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine bất ngờ tăng tốc khi mà bối cảnh chính trị ở Mỹ và các nước đồng minh đang có nhiều thay đổi được dự báo sẽ tác động sâu rộng không chỉ tới nguồn lực hậu thuẫn mà còn cả cục diện xung đột Nga - Ukraine.

Nếu không được tính toán cẩn thận, điều này có thể dẫn đến những rủi ro khôn lường.

ho-tro-uk.jpg
Việc phương Tây đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine có thể dẫn đến những rủi ro khôn lường. Ảnh: Defense News

Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định lần đầu tiên tài trợ để các quốc gia thành viên mua sắm chung vũ khí gửi đến Ukraine. Trước đây, liên minh này từng tài trợ cho Ukraine mua sắm vũ khí, nhưng được thực hiện ngoài ngân sách của EU và thông qua một công cụ tài chính đặc biệt.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho biết, động thái mới nằm trong khoản đầu tư rộng lớn hơn trị giá 300 triệu euro (tương đương 317 triệu USD) phục vụ mua sắm quốc phòng cho chính các thành viên EU, bao gồm hệ thống phòng không, xe bọc thép và đạn pháo. “Điều quan trọng là các dự án được chọn sẽ gia tăng sự hỗ trợ của chúng ta đối với Ukraine”, bà Margrethe Vestager nhấn mạnh.

Cùng với châu Âu, Mỹ cũng đang sốt sắng tìm cách hỗ trợ đồng minh trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden khép lại. Theo truyền thông bản địa, Nhà Trắng sẽ cố gắng chi 6 tỷ USD còn lại trong quỹ tài trợ cho Ukraine, đồng thời chuyển nhiều viện trợ quân sự nhất có thể cho Kiev.

Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, số vũ khí dự kiến chuyển giao có khoảng 500 tên lửa đánh chặn cho hệ thống Patriot, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS. Nhà Trắng cũng đang xem xét mua lại vũ khí từ các quốc gia khác để viện trợ thêm cho Ukraine.

Chưa dừng ở đó, Tổng thống Mỹ còn có kế hoạch kêu gọi Quốc hội xứ Cờ hoa cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Thực tế, ngay sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm triển khai nhà thầu quốc phòng nước này đến Ukraine để sửa chữa vũ khí do Washington sản xuất, với kỳ vọng có thể giúp các lực lượng vũ trang Ukraine bảo trì thiết bị để nhanh chóng triển khai trở lại tiền tuyến.

Chia sẻ với báo chí, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu rõ, mục tiêu chủ đạo trong những tháng cuối nhiệm kỳ của chính quyền đương nhiệm là đặt Ukraine vào “vị thế mạnh mẽ nhất trên chiến trường” để bảo đảm lớn nhất khi ngồi vào bàn đàm phán.

Những nỗ lực của phương Tây diễn ra trong bối cảnh môi trường chính trị ở nhiều nước chuẩn bị có bước ngoặt lớn với nhiều yếu tố khó lường.

Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1-2025. Trong chiến dịch vận động tranh cử, tỷ phú Mỹ từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết và cụ thể. Chính quyền Ukraine lo ngại, diễn biến này sẽ dẫn tới sự cắt giảm đáng kể hoặc chấm dứt các nguồn viện trợ của họ, như một phần trong nỗ lực đưa Kiev và Mátxcơva vào bàn đàm phán.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Anh, cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro nội tại. Liên minh cầm quyền tại Đức vừa tan vỡ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz bãi nhiệm Bộ trưởng Tài chính do bất đồng quan điểm về quản trị ngân sách.

Hồi tháng 10, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Berlin, yêu cầu chính phủ Đức chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các ý kiến phân tích đánh giá, lo ngại về chủ nghĩa biệt lập của ông Donald Trump và những chỉ trích nội bộ về chi tiêu quốc phòng cũng đang thúc đẩy Anh, Pháp đẩy mạnh các nỗ lực nhằm bảo đảm sự hỗ trợ cho Ukraine.

Trước làn sóng hỗ trợ mới từ phương Tây, Nga bảo lưu quan điểm việc Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường mà chỉ kéo dài cuộc xung đột. Giới chức Nga cũng nhiều lần cảnh báo, cách tiếp cận này có thể khiến phương Tây trở thành một bên trong cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin quan ngại rằng, lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu (EP) về việc dỡ bỏ hạn chế đối với Kiev trong sử dụng vũ khí tầm xa có thể “mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới”.

Nhìn chung, phương Tây đã tỏ rõ mệt mỏi đối với việc ủng hộ Ukraine sau 2 năm rưỡi xung đột. Trong bối cảnh đó, những tác động chưa thể xác định từ kết quả của cuộc bầu cử Mỹ và diễn biến chính trị trong nội bộ các nước Lục địa già đang khơi ra những nỗ lực bất thường và vội vàng chưa từng thấy. Nếu không được tính toán cẩn thận, điều này có thể dẫn đến những rủi ro khôn lường.