Tìm lại dấu xưa qua triển lãm “Hình đồng đất Việt”
Chiều 15-11, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) đã khai mạc triển lãm “Hình đồng đất Việt”.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024) và hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024. Đây đồng thời cũng là hoạt động mở đầu trong chuỗi sự kiện triển lãm “Đồng ta” diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12, bao gồm các hoạt động: Triển lãm, tọa đàm chuyên đề và trình tấu âm nhạc về đồ đồng đất Việt nhân kỷ niệm 100 năm di chỉ văn hóa Đông Sơn được khai quật (1924).
Triển lãm “Hình đồng đất Việt” trưng bày cụm sắp đặt gồm hơn 20 hiện vật, tiêu bản khảo cổ, dụng cụ nghề đồng truyền thống cùng 11 bức tranh đồng và 23 tượng đồng của nhóm các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ sĩ... đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Theo Phó Trưởng phòng Thông tin, Tuyên truyền và hợp tác quốc tế (Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội) Đặng Xuân Khuê, với mục đích tôn vinh, quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm nghiên cứu gồm 10 nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà điêu khắc... tổ chức chuỗi hoạt động triển lãm “Đồng ta” nhằm giới thiệu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc của nghề đúc và chế tác đồng của người Việt từ cổ đại đến hôm nay.
Đồng là một loại khoáng sản, một chất liệu tạo tác và đại diện cho tinh hoa văn hóa của nhân loại kỷ đồ đồng. Trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Năm 1924, khu di chỉ đồ đồng Việt cổ ở làng Đông Sơn (Thanh Hóa) được phát lộ là nền tảng cho nhiều công trình nghiên cứu sau này để định hình khái niệm “văn hóa Đông Sơn”. Đồng có sự gắn kết gần gũi trong đời sống và lịch sử của người Việt và được gọi một cách dân dã là “đồng ta”.
Chia sẻ thêm các thông tin về triển lãm “Đồng ta”, họa sĩ Đào Ngọc Hân, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khảo cổ học Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Chuỗi sự kiện triển lãm “Đồng ta” là sự kết nối ký ức và lan tỏa văn hóa Đông Sơn trong đời sống hôm nay. Đồng ta là sản phẩm của cư dân bản địa, thể hiện kỹ năng tài tình của người Việt đã được duy trì hơn 2.000 năm.
Các tác phẩm của các nghệ sĩ được trưng bày tại triển lãm “Hình đồng đất Việt” là sự kết nối hiện tại với quá khứ, được thể hiện sinh động với phong cách mỹ thuật ứng dụng vừa hiện đại vừa đậm tính truyền thống của văn hóa Việt...”.
Trong chuỗi sự kiện triển lãm “Đồng ta”, bên cạnh triển lãm “Hình đồng đất Việt” còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Tọa đàm “Trống đồng người Việt - từ Đông Sơn Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hóa” và trình tấu âm nhạc với chủ đề “Tiếng đồng nhạc Việt” (ngày 8-12); Trưng bày, tọa đàm chuyên đề giới thiệu nghề Đông y truyền thống, nghệ thuật chạm khắc gỗ, giao lưu âm nhạc truyền thống và đương đại, giao lưu trà Việt...