Lùi thời gian công bố điểm xét tuyển sớm vào đại học: Vì sao phải điều chỉnh?
Những năm qua, việc xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành phương thức phổ biến được nhiều trường sử dụng, giúp thí sinh giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy nhiều bất cập, trong đó có ý kiến cho rằng chưa bảo đảm công bằng trong tuyển sinh giữa các phương thức. Để khắc phục, từ kỳ tuyển sinh năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến yêu cầu các trường đại học lùi thời gian công bố điểm xét tuyển sớm. Vậy, vì sao cần thiết phải điều chỉnh thời gian này?
Nghi ngại về tính công bằng
Từ kỳ tuyển sinh năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh một số quy định với các trường, trong đó có yêu cầu lùi thời điểm công bố kết quả xét tuyển vào đại học sớm từ tháng 4 như hiện nay đến sau khi kết thúc kế hoạch năm học, tức là sau ngày 31-5 hằng năm. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, các nhà trường và thí sinh.
Xét tuyển sớm là phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào điểm số của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này sử dụng những hình thức xét tuyển như: Xét học bạ trung học phổ thông, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng trường. Với nhiều thí sinh, đây là phương thức khá thuận lợi, giúp các em yên tâm với tỷ lệ trúng tuyển cao.
Là thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh năm 2023, Nguyễn Phương Nhi (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, việc tham gia xét tuyển sớm giúp em giảm nhiều áp lực khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với các nhà trường, phương thức xét tuyển sớm giúp các trường thêm cơ hội chọn được thí sinh có năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu của ngành nghề đào tạo, đồng thời góp phần tăng quy mô nguồn tuyển.
Tuy nhiên, thực tế triển khai phương thức xét tuyển sớm vào đại học cũng bộc lộ hạn chế. Nhiều người nghi ngại về tính công bằng giữa các thí sinh trong xét tuyển. Bởi thực tế đã từng xảy ra hiện tượng có trường dồn phần lớn chỉ tiêu của năm cho phương thức xét tuyển sớm, số chỉ tiêu dành cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất ít, khiến điểm chuẩn của một số ngành cao... chót vót.
Tiếp cận cơ hội học tập tốt hơn
Nhằm khắc phục hạn chế, thiếu công bằng trong tuyển sinh đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự kiến triển khai quy định yêu cầu các trường đại học lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm vào sau ngày 31-5. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo và học sinh đang học lớp 12.
Phân tích về tính công bằng khi lùi thời gian xét tuyển sớm vào đại học, nhiều giáo viên của một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu thực tế, có những năm, có đến hơn nửa số học sinh trong một lớp đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học sớm bằng xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... Trong khi đó, trong lớp vẫn còn không ít học sinh muốn tập trung ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông để lấy điểm xét tuyển đại học. Vì vậy, yếu tố công bằng trong học tập, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học là rất cần thiết.
“Việc giúp học sinh yên tâm, tập trung học tập đến hết năm học là cần thiết nhằm bảo đảm các em có được kiến thức, kỹ năng tốt, làm nền tảng vững chắc để bước vào bậc học cao hơn. Đây còn là giải pháp quan trọng hạn chế sự thiếu công bằng giữa các thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương nêu ý kiến.
Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Ngân hàng) Trần Mạnh Hà cho rằng, việc không tính điểm học kỳ II lớp 12 chưa phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh, bởi hầu hết kiến thức quan trọng ở bậc trung học phổ thông đều nằm ở năm cuối cấp. Trong khi đó, nhiều học sinh sẽ lơ là, chủ quan trong học tập khi biết mình đã được thông báo trúng tuyển đại học. Với mục tiêu vì chất lượng giáo dục ở cả phổ thông và đại học, các trường sẵn sàng bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm để tạo sự công bằng cho các thí sinh.
Thực tế cũng cho thấy, việc xét tuyển đại học sớm còn làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học, gây nhiễu trong xét tuyển. Hằng năm, tỷ lệ thí sinh ảo của phương thức xét tuyển sớm ở mức từ 200% đến 500%.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho các thí sinh trong việc tiếp cận cơ hội học tập. Các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng phải trong khuôn khổ quy định, việc xây dựng các phương thức tuyển sinh cần thuận lợi và bảo đảm công bằng. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ gia tăng một số chế tài để điều tiết công tác tuyển sinh đại học từ năm 2025.