Củng cố niềm tin và quyết tâm
Kết thúc tháng 10-2024, các chỉ số kinh tế của nước ta tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 đạt hơn 69 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 9 và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng của tháng 10 rất đáng ghi nhận vì xuất khẩu tháng 9 sụt giảm, khiến các tổ chức kinh tế lo ngại ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 647 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023, và dự báo có thể vượt qua mức kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022 với đà tăng tiến trong 2 tháng còn lại của năm. Là một trong những động lực tăng trưởng, việc xuất khẩu tăng củng cố niềm tin vào kết quả kinh tế khả quan cả năm 2024.
Một động lực quan trọng khác là sản xuất công nghiệp cũng duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 10-2024 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8%. 10 tháng năm 2024, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,5%). Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong 10 tháng năm 2024 là hơn 27 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó đã thực hiện 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, chiếm hơn 80% tổng vốn FDI thực hiện.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong đợt 1 kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV đạt hơn 7,5% để cả năm đạt hơn 7%. Và những tín hiệu tích cực từ các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, đầu tư… củng cố thêm niềm tin và quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Từ niềm tin, các cấp, ngành cần chủ động hiện thực hóa bằng các giải pháp, trước hết là duy trì nhịp độ tăng trưởng của các động lực. Xuất khẩu quý IV thường là cao điểm, song bên cạnh đó là những yếu tố bất định của thị trường, chuỗi cung ứng, là những tác động của xung đột khu vực… có thể làm cho dự báo mang tính quy luật thay đổi. Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải nhạy bén, chủ động ứng phó với tình hình thực tế.
Ngoài các động lực trên, Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Như đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu giải ngân hơn 95% kế hoạch khi kết thúc năm tài chính. Tiêu dùng nội địa, tuy có sự phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng thấp cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu nhờ xuất khẩu và phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ tiêu dùng, giảm thuế, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển song hành với xuất khẩu.
Một yếu tố nữa cũng khá quan trọng, đó là nền kinh tế vẫn đang rất cần hỗ trợ bằng chính sách tài khóa để phục hồi nhanh hơn. Việc hỗ trợ cần thực chất hơn, đi vào đúng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, bảo đảm thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Khi sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh hơn, nền kinh tế sẽ có thêm động lực tăng trưởng để hoàn thành tốt hơn mục tiêu đề ra.