Chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật: Bài 2: Quản lý chặt chẽ để kiến tạo phát triển
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức. Đích đến là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa phòng, chống tiêu cực từ gốc, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Việc tăng cường hậu kiểm văn bản thời gian qua đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rất chủ động, khoa học, bài bản. Theo thống kê mới nhất, đến nay, 24 bộ, cơ quan ở trung ương (đạt 100%), Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, 63/63 UBND cấp tỉnh (đạt 100%) đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, giúp cho việc tổng hợp, rà soát tổng thể và công bố văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp) còn hiệu lực, hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; các văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần cũng như các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương đã công bố 8.489 văn bản còn hiệu lực; 4.019 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 760 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới... Tương tự, ở cấp tỉnh, công khai 32.251 văn bản còn hiệu lực; 4.755 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (bao gồm 1.303 văn bản của HĐND, 3.452 văn bản của UBND)...
Qua kiểm tra, các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức; nội dung cơ bản không trái với các quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế. Song, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục, trình tự, hồ sơ… vốn là những nội dung, lĩnh vực có thể tìm bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Không những vậy, tình trạng văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, không xác định được hiệu lực vẫn còn tồn tại.
Về vấn đề này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, muốn thực sự bứt phá và đổi mới được tư duy xây dựng pháp luật, cần thay đổi tư duy cơ quan quản lý lĩnh vực nào thì xây dựng luật cho lĩnh vực đó bởi nếu vẫn theo tư duy này thì không tránh được tư duy ngành, tư duy cục bộ...
Về phía cơ quan “gác cổng pháp luật” là Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành rà soát, làm "sạch" gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật, sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) không chỉ phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn bảo đảm mục tiêu công khai, minh bạch hệ thống pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, bộ pháp điển “đúng, đủ, sạch, sống” vận hành liên tục, ổn định.
Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Hướng đến nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, đồng thời phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy, tập trung kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đến từng bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan, từng tổ chức để thực hiện.
“Tôi xin nhấn mạnh lại tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo mới của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, với tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa những quy định của nghị định, của thông tư vốn là những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và của các bộ, ngành. Không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, về trình tự, hồ sơ", bà Đặng Hoàng Oanh nói. Với những điểm nghẽn, sớm vá lỗ hổng thể chế, thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.
Trong quá trình hoàn thiện, PGS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, cần phân tích rõ hơn vai trò lãnh đạo và quản lý của Đảng, không bao biện làm thay và không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật phải tiếp tục khơi thông sự phát triển, thu hút nguồn lực, bảo vệ được cán bộ, tạo linh hoạt trong phản ứng chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...; tư duy quản lý không cứng nhắc.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải nêu quan điểm, việc xây dựng luật phải có ý kiến của đối tượng tác động và phải đề cao quyền lợi của người dân. Trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cần "gỡ vướng" quan hệ giữa chính sách và pháp luật để tránh luật và chính sách có sự vênh nhau.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Nguyên tắc vàng của Nhà nước pháp quyền, dân chủ là dân được làm những gì luật không cấm. Chúng ta đã, đang và sẽ phải chuyển từ cách làm luật liệt kê, sang phương pháp mới là loại trừ - loại trừ có danh mục cấm tường minh và đưa ra khoảng tự do. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu phải ngồi lại với nhau, chuyển dần từ tư duy luật để quản lý sang tư duy đổi mới sáng tạo. Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, có 2 văn bản luật càng xây dựng, ban hành nhanh càng tốt, đó là luật của luật - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện có khoảng 15 nước có luật này) và Luật Tổ chức thi hành pháp luật - luật này nên khuôn định lại để phù hợp với Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Luật này sẽ đổi mới toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ khâu lập chương trình đến lập đề nghị xây dựng, soạn thảo, thẩm định rồi thẩm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái luật”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh về định hướng mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, phải bảo đảm 3 yêu cầu. Một là bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian chi phí; nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật. Hai là bảo đảm đánh giá tác động chính sách một cách thực chất. Ba là bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động là người dân, doanh nghiệp. “Tuyệt đối không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật và không đẩy khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp. Đặc biệt, luật phải quy định rõ trách nhiệm từng chủ thể, nhất là người đứng đầu từng khâu trong quá trình soạn thảo”, bà Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Theo đó, luật mới sẽ bổ sung một số nguyên tắc kiểm soát trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời; xác định rõ và tăng cường vai trò của các chủ thể tham gia xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(Còn nữa)