Đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất cơ chế tìm vốn cho dự án
Đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng để sớm khởi công dự án. Một trong những điều quan trọng là xác định cách thức tạo vốn cho dự án.
Bình Dương chủ động
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 206,72km. Trong đó, đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài gần 17km, qua tỉnh Long An hơn 78km, qua Bình Dương gần 48km, qua Đồng Nai dài khoảng 46km và qua Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 18km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 137 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 1, dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ cho mặt cắt rộng 74,5m và xây dựng trước 4 làn xe chuẩn cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/h. Đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng tính kết nối giao thông liên vùng, giảm chi phí logistics.
Từ năm 2013, khi chuẩn bị hạ tầng để huyện Bến Cát lên thị xã (nay đã là thành phố) và hạ tầng cho Khu đô thị Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương đã tính toán và bố trí sẵn hạ tầng cho tuyến đường Vành đai 4 đi qua (khi đó dự án mới thông qua chủ trương đầu tư).
Theo đó, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm mới tuyến đường NE2 rộng 10 làn xe, có hơn 12km trùng với dự án đường Vành đai 4.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết nguồn vốn trung hạn đã được HĐND tỉnh thông qua và bố trí đầy đủ, sẵn sàng cho việc đầu tư cũng như giải ngân (hơn 18.200 tỷ đồng). Theo đó, đoạn tuyến đường Vành đai 4 qua tỉnh sẽ làm theo chuẩn cao tốc để đồng bộ với các đoạn tuyến khác của dự án đường Vành đai 4.
Để chuẩn bị cho việc thu hút vốn cho dự án từ quỹ đất dọc tuyến, từ tháng 7-2024, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4. Cụ thể, khu số 1 có diện tích khoảng 2.702 ha tại thành phố Bến Cát; chức năng chính là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh.
Thời hạn thực hiện dự kiến đến năm 2040 từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, trái phiếu, nguồn vốn của các nhà đầu tư huy động, các nguồn vốn hợp pháp khác. Cùng với đó, tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng dự án và lên phương án đền bù, tái định cư thoả đáng nên tạo sự đồng thuận cao. Dự kiến, Bình Dương sẽ khởi công dự án ngay trong quý IV-2024.
Đề xuất cơ chế vốn phù hợp
Với các tỉnh, thành phố còn lại có tuyến Vành đai 4 đi qua, việc bố trí nguồn vốn lớn cho dự án đường Vành đai 4 trong bối cảnh các địa phương đang phải triển khai nhiều dự án giao thông khác là không dễ dàng. Vì vậy, các địa phương đã có những đề xuất cụ thể với Trung ương để sớm có nguồn vốn cho dự án; khởi công ngay trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027.
Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cố gắng tự cân đối nguồn vốn và hỗ trợ lẫn nhau với một số dự án thành phần để thực hiện dự án vành đai 4. Riêng Long An, do số vốn quá lớn, tỉnh dự kiến cân đối khoảng 10.000 tỷ đồng và đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 33.000 tỷ đồng.
Về vốn ngân sách (chiếm không quá 70% tổng vốn dự án), các tỉnh, thành phố có đường Vành đai 4 đi qua đề xuất Trung ương cho phép được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Phần còn lại huy động vốn qua phương thức đối tác công tư PPP. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh nhận định với lưu lượng xe dự kiến qua tuyến đông, việc huy động đầu tư PPP là rất khả thi.
Thứ hai là các địa phương đề xuất Trung ương cho phép các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua được hỗ trợ lẫn nhau trong việc bổ sung nguồn vốn cho các dự án thành phần xây cầu kết nối giữa Đồng Nai với Bình Dương; giữa Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm bảo đảm tổng thể dự án được triển khai đồng bộ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đặt mục tiêu trong ngày 13-11-2024 sẽ hoàn thành báo cáo tổng hợp lần cuối từ chính quyền các địa phương có tuyến Vành đai 4 đi qua; trình hồ sơ dự án lên Trung ương xem xét ngày 15-11.