Bảo vệ trẻ em khi tham gia mạng xã hội
Hiện nay, việc tiếp xúc với các loại thiết bị thông minh có kết nối với mạng internet đã trở nên quá quen thuộc đối với trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thực trạng đáng lo là nhiều trẻ em sử dụng internet và tham gia mạng xã hội sớm, trong khi chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về các mối nguy hại từ môi trường mạng. Vì thế, các em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm trên môi trường mạng, gây tổn hại tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe và tính mạng.
Theo thống kê, khoảng 92% trẻ em Việt Nam sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hằng ngày. Đáng lo ngại là gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet; hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm... Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn bị xem nhẹ. Nhiều bậc phụ huynh chưa coi trọng việc bảo vệ, phòng chống xâm hại cho con em mình. Trong khi đó, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy khi tham gia mạng xã hội; thiếu thiết bị kiểm tra, giám sát, hạn chế và ngăn chặn các hình ảnh phản cảm, bạo lực trên internet…
Nhằm tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội, ngày 6-11-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã ký Công văn số 3679/UBND-KSTTHC về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ đã được UBND thành phố giao tại Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 1-12-2022 về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội và hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan, quyết liệt triển khai thực hiện việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần bảo vệ trẻ em và tạo môi trường an toàn cho các em khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, thời gian tới, các địa phương, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng giúp các em nhận diện nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng. Các trường học, cơ sở giáo dục phải thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng tương tác an toàn trên mạng; chỉ rõ các thủ đoạn xâm hại trẻ em thường gặp trên môi trường mạng nhằm phòng ngừa "từ sớm, từ xa" đối với loại tội phạm này.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông hoặc khai thác dịch vụ gia tăng trên không gian mạng cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung trên hệ thống thông tin để không gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em. Các doanh nghiệp cần có các giải pháp ngăn chặn triệt để việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em.
Đồng thời, các cơ quan hữu quan cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp, chủ cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng những biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, góp phần tạo môi trường an toàn cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội.