Kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân
Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Diễn đàn giúp nông dân trao đổi, tìm sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đây cũng là hình thức cung cấp thông tin, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp…
Thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, với diện tích hơn 200ha, đơn vị là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất của Hà Nội, cung ứng sản lượng lớn rau, củ, quả cho người dân Thủ đô. Những năm qua, chất lượng nông sản từng bước được nâng lên. Đến nay, hợp tác xã có 18 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sản lượng rau, củ, quả của hợp tác xã đạt khoảng 40.000 tấn/năm, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Dù chủng loại rau, củ, quả tương đối đa dạng, nhưng giá trị sản phẩm từ cây rau vẫn thấp. Nguyên nhân là do rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu được bán thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu; chuỗi liên kết chưa thực sự ổn định, bền vững…
Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho hay, trên địa bàn huyện có gần 8.100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4.300ha lúa, còn lại là diện tích trồng rau màu, hoa, cây ăn quả. Sản phẩm nông nghiệp của huyện Mê Linh đa dạng, thế mạnh là 700ha rau (su hào trái vụ, rau gia vị, rau ăn lá, củ cải...); 800ha hoa, 300ha chuối. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc thương lái, nên khi chính vụ thu hoạch, sản phẩm rau, củ trên địa bàn gặp khó khăn về đầu ra, thường bị ép giá.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang thông tin, hợp tác xã có vùng chuyên canh ổi 30ha tại Di Trạch và hơn 100ha người dân thuê đất ở các xã lân cận để sản xuất.
Sản phẩm đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2021. Tuy vậy, đa số ổi của Di Trạch vẫn tiêu thụ ở các chợ truyền thống, giá cả bấp bênh. Lượng ổi được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Người dân trồng ổi mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho loại trái cây chủ lực của địa phương.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn Thủ đô khá thấp, chỉ chiếm hơn 10%. Hơn nữa, phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Ngoài ra, nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông dân vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ nông sản, nhất là vào chính vụ thu hoạch.
Xây dựng vùng sản xuất lớn bảo đảm chất lượng
Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, để nông sản vào được siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hay tiếp cận khách hàng yêu cầu cao cần đòi hỏi gắt gao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, doanh nghiệp còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất về sản lượng, vùng trồng… rồi mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Nông dân, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội cần đặc biệt lưu ý hướng đến phương pháp sản xuất an toàn để sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng đồng đều.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ, doanh nghiệp rất muốn bắt tay với nông dân để sản xuất, tiêu thụ lúa theo cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, diện tích cần bảo đảm gọn vùng, tối thiểu phải đạt 20ha trở lên, canh tác cùng một giống lúa. Vì vậy, nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất...
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản liên kết theo chuỗi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ giới hóa và truy xuất nguồn gốc nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, ngành Nông nghiệp hỗ trợ hợp tác xã tại các vùng nông nghiệp lớn tự tìm kiếm và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ, tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu cũng cần được chú trọng. Đáng lưu ý, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân bằng việc thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả... Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chính là một hình thức hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ trên.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn hợp tác xã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng website, tờ rơi, tạo lập fanpage; đưa hợp tác xã có sản phẩm đủ điều kiện kết nối giới thiệu tại các chuỗi thực phẩm sạch tại một số địa phương lân cận. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền vận động thành viên hợp tác xã đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên, đơn vị cùng ngành hàng, tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường...