Để không lãng phí tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật
Nhiều nghệ sĩ trẻ ra trường không có việc làm; thời gian thực hành ít hơn thời gian học lý thuyết… dẫn đến việc “chảy máu chất xám” hoặc không trụ được với nghề. Đó là những vấn đề đặt ra tại hội thảo với chủ đề “Tài năng - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vào ngày 12-11 tại Hà Nội.
Hội thảo “Tài năng – Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” có sự tham gia hơn 100 đại biểu đến từ cơ quan quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học trong các lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đã đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại.
Đánh giá thực trạng đào tạo tài năng trẻ trong nước, GS-TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, công tác đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận để dạy các chuyên ngành nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức, nên đến nay đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu trầm trọng. Đây là tình trạng chung của cả hai trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh thực trạng “chảy máu chất xám”, câu chuyện “đầu ra” cũng là nỗi lo lớn nhất của sinh viên tốt nghiệp ra trường.
“Với tình trạng “giảm biên chế”, nhiều đơn vị không thể tuyển thêm người nên cơ hội cho sinh viên rất ít. Các nghệ sĩ trẻ đang sung sức, có khả năng thì có thể ký hợp đồng, tuy nhiên mức lương hợp đồng quá ít ỏi, buộc họ phải “dứt áo ra đi”, tìm con đường mưu sinh khác”, GS-TS Lê Thị Hoài Phương nêu.
Đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ giống như viên ngọc còn ẩn mình trong đá, nhưng để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo.
“Cần nhìn nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản. Vì thế, để phát huy được những tài năng trẻ ở lĩnh vực văn hóa dân gian, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người trẻ có trình độ, đam mê sáng tạo cải tiến những phương thức cũ và sáng tạo những giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ về kinh phí, điều kiện tốt nhất để người trẻ có thể thực hành di sản. Đối với những người thuộc các tổ chức, đơn vị, đoàn nghệ thuật nhà nước, cần được quan tâm ưu đãi về chế độ chính sách, nơi ở và môi trường biểu diễn để họ yên tâm gắn bó với nghề”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long góp ý.
Ở góc độ biểu diễn nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thẳng thắn cho rằng, nhiều tài năng trẻ phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội, dẫn đến giảm động lực phát triển. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện để thực hành và thể hiện khả năng của mình do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực cũng tạo ra sự chênh lệch trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng.
Để tránh lãng phí nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, cần thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp; cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ khởi xướng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ cần được quan tâm.
Hội thảo “Tài năng - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại trong công tác đào tạo tài năng trẻ Việt Nam thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhiều giải pháp mang tính gợi mở được đưa ra với hy vọng, có thể góp sức vào việc đổi mới công tác đào tạo, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030.