Nông nghiệp - Nông thôn

30 giảng viên TOT-IPM được tập huấn lên TOT-IPMH

Quỳnh Dung 12/11/2024 - 12:19

Ngày 12-11, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho các giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPMH (Phát triển ứng dụng quản lý sinh vật gây hại tổng hợp và biện pháp phòng chống sinh vật gây hại cây trồng) tại Hà Nội.

quang-canh-lop-hoc-12-11.jpg
Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: Hương Giang

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quý Dương cho biết, học viên là giảng viên IPM cấp quốc gia (có giấy chứng nhận đã qua khóa tập huấn giảng viên IPM do Cục Bảo vệ thực vật cấp). Các giảng viên TOT - IPM sẽ được bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp để các giảng viên này có đủ kiến thức, điều kiện giảng dạy các lớp TOT - IPHM, qua đó tạo nguồn giảng viên IPHM cho các tỉnh, thành phố. Đối với các học viên cần tập trung trau dồi kiến thức, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để vận dụng kiến thức đã học làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho ngành, chính quyền địa phương trong công tác phát triển nền nông nghiệp bền vững nói chung và đẩy mạnh triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp nói riêng.

ong-duong-12-11.jpg
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương phát biểu khai mạc lớp tập huấn. Ảnh: Hương Giang

Lớp tập huấn lần này có 30 giảng viên IPM thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Sơn La. Trong thời gian 11 ngày, các học viên được giảng viên truyền đạt các nội dung: Tổng quan về IPHM; phương pháp nghiên cứu, quản lý đồng ruộng; biện pháp đấu tranh sinh học; sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất, liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ, các biện pháp bảo vệ môi trường,… Cũng trong khóa tập huấn, các học viên được trao đổi với các giảng viên để bổ sung kỹ năng cần thiết về hoạt động theo nhóm; kỹ năng hướng dẫn; tổ chức hội thảo; kỹ năng tổ chức lớp học hiện trường (FFS); kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, thuyết trình; phương pháp đào tạo phi chính quy đối với người lớn tuổi; tuyên truyền phổ biến kiến thức; kỹ năng tổ chức tham quan học tập và kỹ năng lập báo cáo đánh giá kết quả lớp học, được tham quan, học tập mô hình tiêu biểu, như: Mô hình ứng dụng IPMH trong sản xuất rau an toàn, Global GAP, ứng dụng biến đổi khí hậu…

hai-anh.jpg
Thông qua chương trình IPHM sẽ hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Hương Giang.

Thông qua chương trình IPHM, cán bộ kỹ thuật và người dân được trang bị những kiến thức để sản xuất cây trồng an toàn, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình canh tác, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Từ đó, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở cân bằng hệ sinh thái để quản lý sức khỏe cây trồng và hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại; đồng thời áp dụng những kiến thức đã học vào các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng.