Môi trường

Hà Nội lạnh về đêm và sáng, nắng hanh, oi nóng về trưa và chiều

Kim Nhuệ 11/11/2024 17:17

Bão số 7 suy yếu gây mưa lớn tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Hà Nội tiếp tục lạnh về đêm và sáng, nắng hanh, oi nóng về trưa và chiều.

nang-nhe.jpg
Trưa và chiều mai (12-11), Hà Nội nắng hanh, oi nóng, nhiệt độ cao nhất 31-33 độ C. Ảnh: Bảo Châu

Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (11-11) và sáng mai, Hà Nội không mưa, sương mù nhẹ vài nơi; thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nhất khu vực phía Tây thành phố 20-22 độ C, phía Bắc và phía Nam 21-23 độ C, trung tâm 22-24 độ C. Trưa và chiều mai (12-11), thành phố Hà Nội nắng, oi nóng, nhiệt độ cao nhất 31-33 độ C. Không khí hanh khô, độ ẩm phổ biến ở mức 57-65%.

Trạng thái thời tiết nêu trên tại thành phố Hà Nội còn duy trì đến ngày 17-11. Sau thời gian trên, thành phố Hà Nội mưa rào, nhiệt độ giảm.

bao-811.jpg
Hướng di chuyển của bão Toraji lúc 14h chiều 11-11. Ảnh: Nchmf

Về diễn biến bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, khoảng đêm nay và sáng mai, bão Toraji đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm 2024. Đến 13h ngày mai, tâm bão nằm trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh 10, giật cấp 12. Vào sâu Biển Đông, cường độ bão Toraji có xu hướng suy yếu dần.

Về cơn bão số 7, khoảng đêm nay và sớm mai có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Trưa và chiều mai, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, nên từ đêm nay đến đêm mai, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa 70-150mm, có nơi cao hơn 250mm. Từ đêm 13-11 mưa lớn kết thúc ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trước dự báo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống...