Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Tri ân những đóng góp của các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô

Thanh Tàu 11/11/2024 15:15

Từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy, cô giáo miền Bắc rời bục giảng vào Nam để vừa dạy học, vừa chiến đấu...

19-19(1).jpg
Một tiết mục văn nghệ do các thầy, cô giáo thể hiện. Ảnh: Nghiêm Ý

Ngày 11-11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và Hội Cựu giáo chức thành phố tổ chức họp mặt nhà giáo đi B (vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước) và nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch), nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Tại buổi họp mặt, các nhà giáo đã có dịp ôn lại những trang sử hào hùng cũng như một thời xông pha lên đường chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc…

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nhà giáo Trịnh Hồng Sơn kể: "Đoàn đi B phải vượt nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy rình rập..., nhưng tất cả chỉ có một mục tiêu là nhanh vào miền Nam, để cùng đồng bào miền Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, giải phóng và thống nhất đất nước".

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thay mặt các thế hệ nhà giáo trưởng thành sau Ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975 và đại diện ngành Giáo dục thành phố tri ân các thầy, cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các nhà giáo nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch.

“Hiện nay, vẫn còn nhiều thầy, cô tiếp tục tham gia các hoạt động gắn với công tác giáo dục, tham gia Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học… Tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy, cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh “trồng người” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó cho ngành Giáo dục và Đào tạo”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

1839009(1).jpg
Toàn cảnh buổi họp mặt. Ảnh: Nghiêm Ý

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự vinh dự và xúc động lần đầu tiên được dự buổi họp mặt các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô đang sinh sống tại thành phố.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, ngày nay, nhắc đến cụm từ “nhà giáo đi B” hay “nhà giáo nội đô” thì nhiều người không hiểu, nhất là các bạn trẻ, nhưng thực sự đó là những người có một thời đầy hy sinh gian khổ và hết sức vẻ vang.

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy, cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm cho các nhà giáo. Ảnh: TTXVN

Trong gần nửa thế kỷ qua, đất nước nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã trải qua nhiều biến đổi to lớn, thay da đổi thịt từng ngày, nhân dân đã được hưởng nhiều thành quả tốt đẹp mà độc lập tự do mang lại. Để có những điều đó, những đóng góp công sức, máu xương của thế hệ đi trước không bao giờ bị quên lãng.

“Chúng tôi, thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy, cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy, cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác”, ông Nguyễn Hồ Hải nói.