“Nhân văn số” - hướng đi mới, tiềm năng lớn: Khi công nghệ số góp phần bảo vệ di sản
Dự án "Bảo tồn mộc bản Triều Nguyễn" của Phòng thí nghiệm tương tác người máy (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện, nhằm tạo mô hình 3D của các mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo kết hợp với các kỹ thuật khác là một minh chứng cụ thể về hiệu quả của "nhân văn số".
Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu vô giá
Mộc bản triều Nguyễn là các tấm ván gỗ khắc chữ Hán, chữ Nôm ngược được dùng để in các nội dung về lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự... từ thời Hùng Vương đến triều Nguyễn. Để in, những người thợ xưa thường bôi mực đều lên bề mặt mộc bản, trải giấy dó lên để mực thấm đều vào giấy, những hàng chữ sẽ hiện lên rõ nét.
Không những có giá trị về mặt sử liệu, mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị về nghệ thuật chế tác, thể hiện sự phát triển nghề khắc in bản gỗ tại Việt Nam từ xa xưa. Mỗi tấm mộc bản được coi là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo bởi những nét chữ uốn lượn mềm mại như rồng múa phượng bay ấy lại được các nghệ nhân tạo khắc bằng dao... Cũng chính vì những giá trị độc đáo đó, năm 2009, mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.
Tái hiện quá khứ nhờ công nghệ số
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư lưu trữ) Nguyễn Xuân Hùng, năm 1960, hơn 50.000 tấm mộc bản triều Nguyễn được chuyển từ Huế vào Đà Lạt. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV chỉ còn giữ hơn 34.000 tấm. Gần 16.000 tấm còn lại đã bị hư hỏng hay thất lạc, may ra chỉ còn bản in trên giấy.
Trước thực tế đó, năm 2022, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Viện nghiên cứu Hán Nôm đã liên hệ với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và nhóm của PGS.TS Lê Thanh Hà, nơi đang triển khai nhiều dự án khôi phục di sản bằng các công nghệ đa phương tiện để tìm ra phương án bảo tồn tốt hơn. PGS.TS Lê Thanh Hà kể lại: “Hôm đó, chúng tôi đã có buổi nói chuyện rất lâu về nhiều vấn đề xoay quanh công tác bảo tồn mộc bản triều Nguyễn. Có nhiều câu hỏi được đặt ra, như: Liệu công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng hình ảnh in ra giấy dó từ xưa để khôi phục lại mô hình 3D những mộc bản đã bị mất không? Bắt đầu từ những câu hỏi đó, tôi tự đi tìm câu trả lời cho chính mình. Tôi mang ý tưởng đó cùng nhóm nghiên cứu viết một đề án song phương hợp tác quốc tế mang tên “Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn” giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là hoàn thiện phương pháp kỹ thuật, quy trình số hóa và thực hiện số hóa mộc bản; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu mộc bản 2D/3D và bộ công cụ dán nhãn dữ liệu phục vụ việc phát triển các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo khôi phục mộc bản; đề xuất phương pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khôi phục mô hình 3D mộc bản từ bản in, nhằm khôi phục lại những tấm mộc bản đã mất hoặc khôi phục lại những phần bị mất của một tấm mộc bản... Dự án được duyệt và chúng tôi đã thực hiện trong vòng ba năm. Tháng 9 vừa qua, dự án đã được bảo vệ thành công và được nghiệm thu”.
Cũng theo PGS.TS Lê Thanh Hà, để tạo ra được tấm mộc bản 3D gần sát nhất với bản gốc, đem lại cho người xem ấn tượng nghệ thuật như đang chiêm ngưỡng tác phẩm thật là một thách thức lớn.
Thế rồi, nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Công nghệ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tiến hành số hóa 3D độ phân giải siêu cao 210 tấm mộc bản, số hóa 2D các bản in tương ứng và xây dựng phần mềm nhằm phục dựng mô hình 3D mộc bản từ bản in. Cụ thể, nhóm đã xây dựng và sử dụng bộ công cụ gán nhãn dữ liệu 2D/3D để tạo bộ dữ liệu gồm hơn 90.000 mẫu dữ liệu (mỗi mẫu gồm một ảnh 3D và một ảnh 2D tương ứng của một ký hiệu trên bề mặt mộc bản). Bên cạnh đó, nhóm đã xây dựng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục dựng mô hình 3D mộc bản từ bản in. Bằng phương pháp này, nhóm đã phục dựng thành công 5 mô hình 3D của các tấm mộc bản triều Nguyễn quý hiếm đã mất, chỉ còn bản in. Các mô hình phục dựng được 19 chuyên gia am hiểu về mộc bản và từng tiếp xúc với mộc bản đánh giá tốt dựa trên 5 tiêu chí: Số ký tự đọc và khớp được với bản in 2D, kích thước và khuôn dạng, chất lượng ký tự, chất lượng nền, và chất lượng các thành phần phi ký tự.
Từ những thành công bước đầu, PGS.TS Lê Thanh Hà nhận định, “nhân văn số” thực ra không phải là gì xa lạ, đó chính là việc kết hợp giữa công nghệ số với các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cụ thể như lĩnh vực mà chúng tôi đang nghiên cứu là dùng công nghệ 3D để tái hiện các di sản đã mất hoặc chỉ còn bản 2D một cách nhanh chóng với số lượng lớn và độ chính xác cao. Đây cũng là tiền đề cho các dự án số hóa có quy mô lớn hơn, góp phần thúc đẩy việc quảng bá, trình diễn các di sản tới người dân và du khách, thúc đẩy ngành du lịch và nghiên cứu lịch sử tại Việt Nam.