Bangladesh đối mặt với đợt bùng phát sốt xuất huyết gây tử vong thứ hai
Đợt bùng phát sốt xuất huyết ở Bangladesh năm nay làm dấy lên lo ngại về sự lây lan rộng rãi khi tỷ lệ lây nhiễm không có dấu hiệu chậm lại, theo AFP ngày 9-11.
Hằng năm, sốt xuất huyết trở thành mối quan tâm lớn về sức khỏe ở Bangladesh từ tháng 7 đến tháng 10, với hàng nghìn người mắc loại vi rút có khả năng gây tử vong do muỗi Aedes truyền bệnh.
Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng đáng kể từ đầu những năm 2000, với đợt bùng phát tồi tệ nhất đã cướp đi sinh mạng của 1.705 người vào năm ngoái. Theo dữ liệu của Tổng cục Dịch vụ y tế, năm nay, số người tử vong do sốt xuất huyết là đợt tồi tệ thứ hai trong lịch sử, với 342 ca. Trong khi các đợt bùng phát trước đây thường kết thúc vào tháng 10, thì năm nay ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với hơn 30.870 người phải nhập viện.
"Xu hướng nhiễm sốt xuất huyết này có thể sẽ tiếp tục cho đến tháng 1 năm sau” - Giáo sư Kabirul Bashar, nhà côn trùng học tại Đại học Jahangirnagar ở Dhaka cho biết.
Trong khi các đợt bùng phát sốt xuất huyết ở Bangladesh thường chỉ giới hạn ở các khu vực thành thị, thì kể từ năm ngoái, vi rút đã được báo cáo ở mọi quận, thậm chí còn lan đến các vùng nông thôn xa xôi trước đây không bị ảnh hưởng.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã đẩy nhanh sự lây lan của muỗi Aedes, trong khi lượng mưa lớn đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho loài côn trùng này sinh sản.
Một vấn đề khác mà Bangladesh phải đối mặt trong năm nay là thiếu các chiến dịch kiểm soát sốt xuất huyết, với những nỗ lực bị gián đoạn do chế độ đột ngột thay đổi ở quốc gia này trong bối cảnh bất ổn vào tháng 7 và tháng 8 dẫn đến việc lật đổ chính quyền trước đó.
"Tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp kiểm soát muỗi không đầy đủ của chính quyền là những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng của dịch sốt xuất huyết. Vấn đề đáng lo ngại nhất là tỷ lệ tử vong cao. Không có quốc gia nào khác có tỷ lệ tử vong cao như vậy. Các cơ quan y tế của chúng tôi cần xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc".
Các ca tử vong trong đợt bùng phát hiện nay chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, thường là sau một thời gian dài di chuyển, vì hầu hết các cơ sở chuyên khoa và xét nghiệm chỉ có ở các trung tâm đô thị lớn.
Kể từ năm ngoái, nhiều bệnh nhân đã nhiễm vi rút lần thứ hai hoặc thứ ba, một số thậm chí còn nhiễm nhiều chủng, làm giảm cơ hội sống của họ.
“Có bốn chủng sốt xuất huyết. Năm ngoái, chúng tôi cũng phát hiện những bệnh nhân bị nhiễm tất cả các chủng này. Năm nay cũng vậy” - Tiến sĩ Khondoker Mahbuba Jamil, Trưởng phòng xét nghiệm vi rút học của Viện Y tế công cộng tại Dhaka cho biết.