Khơi dậy hoạt động các ban nhạc:Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2024 vừa diễn ra tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thu hút đông đảo khán giả, góp phần không nhỏ khích lệ, cổ vũ nghệ sĩ trên con đường đã chọn.
Đây là minh chứng sống động về việc khơi dậy hoạt động các ban nhạc trong thời đại mới có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội và cả nước.
Tìm lại không khí hứng khởi
Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2024 là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây và 555 năm danh xưng Sơn Tây, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức từ ngày 31-10 đến 2-11.
9 ban nhạc tham gia một kỳ liên hoan âm nhạc mang tính quốc gia không phải là con số lớn, nhưng ở đây đã quy tụ được nhiều phong cách, nhiều trào lưu chơi nhạc khác nhau. Đó là các ban nhạc Phương Đông, Âu Cơ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; ban nhạc Lính trẻ, Golden Hour của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; ban nhạc Nhà hát Trưng Vương đến từ Đà Nẵng cùng các ban nhạc ngoài công lập như Makesense gồm 4 cô gái cá tính; Viu Band, SandBox với những thành viên trẻ trung và Nắng Mới gồm những thành viên vô cùng đặc biệt.
Các buổi biểu diễn đều thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là đêm công diễn và trao giải tại sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Mỗi ban nhạc trình diễn 4 tiết mục, cả hòa tấu và ca khúc, với nhiều phong cách như: Pop, rock, jazz và những thể loại phức hợp khác, đã khuấy động không khí nghệ thuật ở xứ Đoài. Những tiết mục như “Nụ cười phương Đông” (Phương Đông), “Neo Funk” (Lính trẻ), “Sóng đàn Hà Nội” (Âu Cơ), “Nồng nàn Hà Nội” (Nhà hát Trưng Vương), “Tháng mấy em nhớ anh” (Makesense), “Lên đường” (Viu Band)… thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, tràn đầy sức sáng tạo.
Golden Hour gây ấn tượng từ đêm thi đầu tiên với 3 trong 4 tác phẩm do chính thủ lĩnh của ban nhạc Đào Hồng Quân sáng tác, trong đó có 2 tác phẩm mới về Hà Nội là “Hà Nội Retro” và “Một Hà Nội có em”. Nhạc sĩ, nghệ sĩ Đào Hồng Quân chia sẻ: “Tôi muốn viết về Hà Nội vừa cổ kính, trầm mặc, vừa có sự tươi mới, sôi nổi của một thành phố đang vươn lên. Các tác phẩm đều được viết và phối khí phù hợp với biên chế của từng thành viên ban nhạc, để mỗi người đều thể hiện được thế mạnh trong những phần solo”.
Tham gia Ban giám khảo Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2024, nhạc sĩ Tuấn Phương nhận định, đây thật sự là “bữa tiệc” âm nhạc đa sắc màu, có sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại, cập nhật xu hướng thế giới. Các ban nhạc không chỉ thể hiện khả năng biểu diễn chuyên nghiệp, điêu luyện mà còn cho thấy tài năng trong sáng tác và dàn dựng tác phẩm.
Thưởng thức các tiết mục xuất sắc của liên hoan tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chị Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thấy không khí thật tuyệt vời, như được trở về thời sinh viên sôi nổi, hòa mình nhiệt huyết cùng các ban nhạc “sống” đầy ngẫu hứng. Các bạn trẻ chơi nhạc rất tài năng, cuốn hút”.
Tạo môi trường hoạt động chuyên nghiệp
Ban nhạc là những nhân tố tạo sự cách tân, mở ra các xu hướng âm nhạc mới. Nhưng ở Việt Nam, đó là câu chuyện của nhiều chục năm trước. Hiện nay, các ban nhạc hoạt động khá trầm lắng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, trong thời đại công nghệ số bùng nổ, khán giả có xu hướng nghe nhạc bằng các thiết bị hiện đại mang tính cá nhân thay vì tham gia chương trình biểu diễn nhạc “sống”. Các nghệ sĩ, ca sĩ cũng sử dụng nhạc nền thu âm sẵn để biểu diễn nên không gian, thị trường cho ban nhạc hoạt động ngày càng thu hẹp.
“Cảm giác thưởng thức âm nhạc “sống” hứng khởi hơn rất nhiều. Không gian, sự cổ vũ, tương tác của khán giả khiến các nghệ sĩ thăng hoa hơn, kích thích sự sáng tạo. Đây cũng là hướng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh bày tỏ.
Minh chứng rõ nhất là việc tổ chức Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2024 tại thị xã Sơn Tây vừa qua. Nơi đây đã thu hút hàng nghìn khán giả, du khách, người dân địa phương hòa mình vào không khí biểu diễn âm nhạc sôi động.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng bày tỏ: “Liên hoan là hoạt động văn hóa nghệ thuật đem đến cho nhân dân thị xã Sơn Tây, du khách những chương trình âm nhạc phong phú, đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao; từ đó tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, góp phần phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng. Đây còn là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền cả nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu âm nhạc”.
Là ban nhạc với hướng đi hoạt động chuyên nghiệp, lâu dài, nghệ sĩ Đào Hồng Quân (Golden Hour) chia sẻ, ban nhạc mong muốn có nhiều sân chơi nâng cao nghề nghiệp và đến với cộng đồng như Liên hoan các ban nhạc toàn quốc lần này.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc là một hoạt động vừa mang tính chuyên môn, vừa mang tính cộng đồng, góp phần phát triển âm nhạc Việt Nam, hội nhập quốc tế. Qua thành công của kỳ liên hoan này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam hy vọng thị xã Sơn Tây sẽ là địa điểm tổ chức liên hoan các ban nhạc toàn quốc thường niên, trở thành nơi “cất cánh” cho các ban nhạc, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và đất nước.