Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho phát triển chăn nuôi
Hiện nay, tuy chăn nuôi của Hà Nội phát triển, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn do chi phí cao; ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, diện tích bị thu hẹp khiến cho việc mở rộng mô hình chăn nuôi quy mô lớn gặp khó khăn.
Vậy đâu là giải pháp để chăn nuôi Hà Nội phát triển mạnh, bền vững theo hướng an toàn sinh học?
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, từ năm 2001, công ty đã đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà đẻ trứng với diện tích 10ha, quy mô 71.300 con gà; xây dựng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày. Hằng tháng, công ty cung cấp cho các công ty, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài thành phố khoảng 2 triệu quả trứng và hơn 2 tấn thịt gà. Nhờ đó, công ty kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng tốp đầu cả nước: Đàn trâu hiện có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 125,1 nghìn con, giảm 2,3%; đàn lợn 1,46 triệu con, giảm 1% so cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 42,4 triệu con, tăng 1,1% (đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,3%).
Tuy nhiên, chăn nuôi Hà Nội còn thách thức lớn do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến diện tích nông nghiệp, trong đó có quỹ đất dành cho chăn nuôi bị thu hẹp. Một số huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn, nhiều trang trại, nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức… Việc di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ từ nay đến năm 2030 sẽ hết sức khó khăn, phức tạp; quy hoạch chăn nuôi tại các địa phương chưa được đồng bộ, còn khá nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là các huyện đã có lộ trình sắp trở thành quận, quỹ đất dành cho chăn nuôi đã bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, tuy chăn nuôi lớn song Hà Nội vẫn còn phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn cao dẫn đến hệ lụy số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn nhiều. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi chưa được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Toàn thành phố chưa có nhiều vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học…
Để tháo gỡ khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chăn nuôi liên kết, chăn nuôi tuần hoàn, gắn liền với hoạt động giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, an toàn sinh học gắn với du lịch sinh thái, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng lộ trình dừng, chấm dứt chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố; thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh trên cả nước.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng; tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh trên cả nước. Hà Nội phát triển chăn nuôi theo định hướng ưu tiên sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao, gìn giữ và bảo tồn các giống địa phương có giá trị; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia; khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao như ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng kín, quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi.