Góc nhìn

Không thể thiếu trách nhiệm gia đình

Gia Khánh 10/11/2024 - 06:23

Dư luận những ngày qua bức xúc trước việc một nhóm thanh thiếu niên đua xe, gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) làm một người đi đường đang dừng chờ đèn đỏ tử vong.

Sau đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng để xác minh, làm rõ, đa số chưa đủ tuổi điều khiển mô tô và chưa có bằng lái xe.

Vụ việc này thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vốn trở thành vấn nạn xã hội lâu nay mà chưa được xử lý triệt để, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về vai trò của gia đình trong quản lý trẻ vị thành niên.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, phần lớn đối tượng tụ tập đua xe đều rất trẻ, đang là học sinh, chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện được điều khiển mô tô, nhưng cha, mẹ vẫn nuông chiều giao xe. Đây chính là hành vi tiếp tay cho vi phạm. Sự dễ dãi, buông lỏng quản lý, cùng với những tác động xã hội khác, đã làm cho trẻ vị thành niên, vốn suy nghĩ chưa chín chắn, nhận thức chưa đầy đủ, lại đang ở tuổi thích thể hiện bản thân và dễ bị kích động, lôi kéo, tham gia vào các nhóm tụ tập, đua xe. Rồi dần dần, cũng từ sự thiếu quản lý, giám sát của người lớn, đặc biệt của cha, mẹ nên trẻ có thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác.

Về pháp lý, trường hợp người điều khiển phương tiện trong khi không đủ điều kiện mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác ở mức độ nghiêm trọng, như làm chết người, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Cha, mẹ, hoặc người đã giao xe cho trẻ có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Vì vậy, cách ngăn ngừa hiệu quả nhất là xử lý thật nghiêm khắc hành vi này, không chỉ với đối tượng đua xe mà với cả người có trách nhiệm giao xe - hành vi tiếp tay cho vi phạm. Trước hết, đối tượng tham gia đua xe phải bị xử lý nặng, xem xét khởi tố hình sự, tịch thu phương tiện vi phạm, chứ không chỉ xử phạt hành chính, bởi đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh, an toàn cho xã hội, đe dọa tính mạng người dân. Nhiều nước trên thế giới áp dụng mức phạt tiền rất cao, tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe vĩnh viễn với hành vi đua xe trái phép. Trường hợp nghiêm trọng, đối tượng vi phạm bị phạt tù. Ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra có thể áp dụng phương án kiểm tra, xử lý qua camera.

Và cùng với xử lý đối tượng vi phạm là trẻ vị thành niên cần phải xử lý cả cha, mẹ, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, người giao phương tiện cho trẻ khi chưa đủ điều kiện theo đúng quy định. Gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ cần hiểu rõ sự nguy hiểm của hành vi đua xe trái phép; hiểu rõ việc giao xe cho trẻ khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện điều khiển (như chưa có giấy phép lái xe) cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trên hết, cha, mẹ cần hiểu việc đua xe là hành vi nguy hiểm không chỉ cho trẻ mà còn với cả xã hội, nên cần quản lý phương tiện chặt chẽ; giám sát mọi hành vi của trẻ, nếu có biểu hiện tham gia tụ tập cần ngăn chặn ngay.

Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, trường học, gia đình cần tăng cường phối hợp trong quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên. Nhưng cùng với giải pháp phòng ngừa từ cơ quan chức năng và xã hội thì quan trọng hơn vẫn là phải có sự quản lý, giáo dục tốt từ phía gia đình.