Xã hội

Mở rộng phạm vi áp dụng thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong tố tụng hình sự

Việt Nga 09/11/2024 13:40

Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để có thể áp dụng ngay từ ngày 1-1-2025.

tbt-du.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên thảo luận hội trường sáng nay. Ảnh: media.quochoi.vn

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn được nêu trong Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW, ngày 13-7-2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Hầu hết ý kiến phát biểu đều thống nhất với việc ban hành nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Đáng chú ý, có không ít đại biểu đề xuất nên mở rộng phạm vi áp dụng với các vụ án nghiêm trọng, thậm chí các vụ án của các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, Nghị quyết này được thông qua sớm sẽ giải quyết gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng mà thực tiễn còn tồn tại, hạn chế, tránh lãng phí do nhiều tài sản bị kê biên, thu giữ, phong tỏa mà không được khai thác một cách hợp lý thời gian vừa qua. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nên mở rộng thêm không chỉ các vụ thuộc diện một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (gọi tắt là Ban chỉ đạo -PV) mà mở rộng áp dụng với các vụ án khác, tạo sự công bằng, bình đẳng cho các bên tham gia pháp luật. Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nên sớm xây dựng văn bản hướng dẫn để khi Nghị quyết có hiệu lực áp dụng được ngay và luôn.

db-hoa.jpg
đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: media.quochoi.vn

Đồng tình về việc mở rộng phạm vi áp dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo nên mở rộng các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không chỉ ở Trung ương mà cả các tỉnh, thành phố. Vì số vụ thuộc Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi không có nhiều. Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán đồng với quy định tạm ngừng đăng ký giao dịch, chủ sở hữu tài sản (khoản 5, Điều 3 Dự thảo Nghị quyết), trong thời gian qua không thực hiện, khi phát hiện, khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can, tài sản bị tẩu tán. Và không nên thí điểm quá 3 năm.

db-inhch.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Lấy ví dụ từ vụ án Tân Hoàng Minh, khi bị cáo đã tự nộp khắc phục hơn 8.000 tỷ đồng để trả cho người bị hại, song do thiếu cơ sở pháp lý, phải sau 2 năm mới thực hiện được là lãng phí và thiệt hại rất lớn khi tiền không được lưu thông…, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) tán đồng với việc Nghị quyết được ban hành và áp dụng sớm.

Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian theo thí điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói: “Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên dừng và gói gọn trong một số vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi như dự thảo. Bởi lẽ, trong thực tiễn và thống kê hằng năm, số lượng những vụ án tham nhũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 15% các vụ án hình sự thông thường. Trong khi đó, tang vật thu giữ, kê biên trong các vụ án hình sự rất lớn, nếu chỉ thí điểm trong lĩnh vực án tham nhũng thì chỉ đáp ứng phần nào, không làm thay đổi thực trạng hiện nay đã và đang tồn tại. Mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự là giảm tối đa lãng phí và thiệt hại cho các bên đương sự khi tang vật bị thu giữ, kê biên”.

db-an.jpg
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội). Theo đó, có không ít vụ việc trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra, như vụ việc ở Công ty Thủy sản Tây Nam (từ năm 2016), sau 8 năm, dư nợ 258 tỷ đồng, tiền lãi lên gần 300 tỷ đồng, các cơ sở vật chất như nhà máy, thiết bị sản xuất, nhà cửa, siêu thị đóng cửa và nếu giờ đem bán… hầu như không còn giá trị. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng theo hướng mở rộng hơn cho các vụ án khác, ngoài các vụ thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi. Đồng thời, nên áp dụng thí điểm không quá 3 năm, có thể 2 năm…