Cải cách hành chính

Hà Nội cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai: Nâng mức hài lòng của người dân

Bạch Thanh 09/11/2024 - 06:14

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, song cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, ngành Tài nguyên - Môi trường và các địa phương của thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách, bảo đảm quy trình minh bạch, hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

tiep-dan.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Quang

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhưng nhiều người dân vẫn bức xúc về những khó khăn mà họ phải đối mặt khi thực hiện các thủ tục này.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ, gia đình chị đã thống nhất phương án tặng quyền sử dụng đất từ mẹ sang các con từ tháng 6-2023, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong. Do thời gian kéo dài, gia đình chị rất lo lắng, đặc biệt khi sức khỏe của mẹ chị ngày càng giảm sút.

Còn gia đình ông Lê Văn Tưởng, ở xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) muốn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư mà bố mẹ ông đã được cấp từ năm 1987, song gặp không ít khó khăn. Sau khi chia đất cho các anh em để xây dựng nhà ở, ông Tưởng làm đơn đề nghị UBND huyện Đan Phượng cấp đổi sổ, nhưng lại bị yêu cầu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, rất bất hợp lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình.

Về các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, người dân trên địa bàn thị xã có ý kiến nhiều về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ yếu liên quan đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục đất đai chưa hướng dẫn người dân rõ ràng. Do đó, người dân phải đi lại nhiều, bổ sung hồ sơ nhiều lần mới hoàn thành được thủ tục.

Ngoài ra, khi thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến đất đai khác, nhiều địa phương đã yêu cầu người dân kiểm tra lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đã cấp trước đó. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, những yêu cầu như vậy là không cần thiết, gây phiền phức. Chưa kể, việc xét cấp đất dịch vụ cho người dân ở Hà Nội mà yêu cầu giải trình lại diện tích đất nông nghiệp và số nhân khẩu hiện tại là không hợp lý, làm cho quá trình giải quyết thủ tục trở nên phức tạp.

tiep-dan-1.jpg
Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Sóc Sơn.

Cần hành động mạnh mẽ hơn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai từ lâu là lĩnh vực khó khăn đối với cả cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp. Nguyên nhân là do sự thay đổi liên tục các chính sách và pháp luật về đất đai, cũng như các tồn tại đất đai kéo dài. Chính sự thay đổi liên tục này khiến việc áp dụng pháp luật trở nên phức tạp, gây khó khăn trong giải quyết hồ sơ.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cải tiến thủ tục hành chính. Các hoạt động chỉnh lý tài liệu, hồ sơ địa chính được đẩy mạnh, nhằm bảo đảm các thông tin chính xác. Đặc biệt, phần mềm một cửa điện tử cũng được nâng cấp để theo dõi sát sao quá trình xử lý hồ sơ, giúp giảm thiểu tình trạng gián đoạn và nâng cao hiệu quả xử lý.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác cải cách là tập trung vào nguồn nhân lực. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã luân chuyển cán bộ giữa các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện và thành phố để nâng cao năng lực công vụ.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp giấy chứng nhận trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục cải cách, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh, gọn và hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai toàn thành phố, nhằm bảo đảm tính liên thông và hiệu quả cho hệ thống, không làm gián đoạn quy trình giải quyết hồ sơ cho người dân.

Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ không chỉ của ngành Tài nguyên và Môi trường, mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, các cơ quan cần có hành động mạnh mẽ hơn, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường minh bạch và giảm thời gian giải quyết hồ sơ. Chỉ khi cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, mới trở thành động lực tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân:
Kiểm soát chặt quy trình và thời hạn xử lý

ykien-le-minh-ngan.jpg

Để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cần phải kiểm soát chặt chẽ quy trình và thời hạn xử lý, giải quyết. Đồng thời, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và lề lối làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan không được yêu cầu người dân và tổ chức phải nộp thêm giấy tờ không có quy định trong pháp luật. Việc ghi thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận phải được thực hiện dựa trên các văn bản, giấy tờ xác lập quyền của người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản, phù hợp với các quy định của pháp luật về dân sự và đất đai. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho cấp cơ sở thực hiện tốt, không để độ trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, thành phố Hà Nội cần ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật.

Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại, huyện Ba Vì Phùng Kim Chung:
Công khai, minh bạch thủ tục hành chính về đất đai

ykien-phung-kim-chung.jpg

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, chính quyền thành phố Hà Nội cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, không nhận xét chung chung về sự chậm trễ trong tiến độ xử lý hồ sơ. UBND thành phố cũng cần xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và UBND cấp huyện, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Các cơ quan, các địa phương cần lắng nghe ý kiến từ người dân, có biện pháp tháo gỡ những tồn tại mang tính đặc thù của mỗi địa phương. Đồng thời, cần nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách địa chính, để tư vấn, hướng dẫn chính xác, giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính một cách thuận lợi và nhanh chóng. Các cán bộ, viên chức nên chia sẻ kinh nghiệm để bảo đảm công tác quản lý đất đai được thực hiện nền nếp, tiến tới mục tiêu quản lý rõ ràng, minh bạch tất cả các thửa đất trên địa bàn.

Bà Lê Thị Hương, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa:
Hướng dẫn chính xác và đầy đủ

ykien-le-thi-huong.jpg

Gia đình tôi đang thực hiện thủ tục hành chính về chia tách thửa đất. Dù đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song khi muốn chia quyền sử dụng cho các thành viên trong gia đình, chúng tôi gặp phải một số khó khăn. Sau khi thuê đơn vị tư vấn đo đạc, chúng tôi phát hiện hiện trạng sử dụng đất đúng với diện tích ghi trên sổ đỏ, nhưng vị trí thực tế của thửa đất lại sai lệch so với bản đồ địa chính. Vị trí sai lệch không chỉ ảnh hưởng đến thửa đất của gia đình tôi, mà còn liên quan đến các thửa đất liền kề. Tuy nhiên, những hộ giáp ranh đều không tranh chấp và đồng ý với mốc giới hiện tại.

Để bảo đảm quyền lợi cho gia đình tôi và các hộ liền kề, các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh lại mốc giới, hướng dẫn cụ thể, chính xác và đầy đủ về thủ tục chia tách thửa theo quy định. Thực tế, trong quá trình làm thủ tục, không ít lần hồ sơ của gia đình tôi bị trả lại với lý do sai sót, khiến chúng tôi phải làm lại nhiều lần, mất nhiều thời gian và công sức.

Sơn Tùng ghi