Văn hóa

Cần quy định trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm để bảo vệ người dùng

Đình Hiệp 08/11/2024 - 17:17

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo.

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

hn-1.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 8-11. Ảnh: Đình Hiệp

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) quan tâm đến các hành vi nghiêm cấm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam. Đại biểu cho rằng, các trang thông tin điện tử đã có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ không được tồn tại, nên cơ quan soạn thảo cần xem xét chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu cũng đề nghị, nội dung dự luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.

nguyen-van-quan.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: TQ

“Luật sửa đổi cần lấp lỗ hổng về quản lý quảng cáo trên không gian mạng, bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng”, đại biểu Nguyễn Văn Quân nêu thực trạng.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá, thực tế cho thấy, quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến, ngày càng trở nên phổ biến trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả.

“Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính”, đại biểu nêu.

Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy, không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng góp ý về hoạt động quảng cáo ngoài trời, khi hiện nay, trên nhiều tuyến giao thông đô thị, tồn tại nhiều bảng hiệu, áp phích quảng cáo nhếch nhác, có những quảng cáo trái phép gây phản cảm. Việc “dẹp loạn” các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo.

Để giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm, thậm chí áp dụng hình thức "phạt nguội" đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát.

kim-yen.jpg
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận. Ảnh: Quang Phúc

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề về chất lượng và hiệu quả của sản phẩm được quảng cáo. Theo đại biểu, việc yêu cầu người quảng cáo phải thực sự sử dụng sản phẩm là cần thiết để đảm bảo tính chân thực của sản phẩm, tránh quảng cáo sai sự thật, thổi phồng... Tuy nhiên, việc thực hiện điều này trong thực tế lại gặp nhiều khó khăn do tính khả thi không cao, bởi không thể sử dụng sản phẩm một vài lần trong thời gian ngắn mà có kết quả ngay được.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quảng cáo không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn là văn hóa, hay rộng hơn là một ngành công nghiệp văn hóa. Với những tính chất đặc thù này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là rất cần thiết.

Nêu thực trạng nội dung quảng cáo trên không gian mạng hiện nay rất khó kiểm soát, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần quy định chi tiết việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như thực tiễn hiện nay.

bui-hoai-son.jpg
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: ĐH

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng nhất trí với quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

“Nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo này thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo như hiện nay”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, phải minh bạch hơn trong quản lý quảng cáo, đặc biệt là trên các phương tiện báo chí, truyền thông, cần phân định rõ giữa tin bài mang nội dung quảng cáo và tin bài thuần túy. Điều này giúp độc giả nhận biết và phân biệt được đâu là nội dung quảng cáo, đâu là tin tức chính thống...