Giáo dục

Tiên phong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc

Thống Nhất 08/11/2024 - 15:52

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện là đơn vị duy nhất tổ chức sách giáo khoa tiếng dân tộc.

img_5565.jpg
Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh dân tộc.

Việc này có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội, đặc biệt là với học sinh dân tộc. Để hiểu thêm về tiến độ biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

-Xin ông cho biết tiến độ tổ chức sách giáo khoa tiếng dân tộc của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đến nay thế nào?

-Từ năm 2021 đến hết năm 2024, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc từ lớp 1 đến lớp 5 với 8 tiếng dân tộc thiểu số, gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái.

Đến hết tháng 9-2024, sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt với 48 cuốn, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học của các lớp 1, 2, 3 - mỗi lớp 16 cuốn.

Hiện còn 16 cuốn sách đã thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 4. Ngoài ra, đơn vị đang tổ chức biên soạn và thẩm định 16 cuốn, bao gốm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 5, dự kiến phê duyệt vào tháng 12-2024.

Theo ông, ý nghĩa của việc này với xã hội, đặc biệt là với học sinh các dân tộc này ra sao?

-Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục và xây dựng xã hội đa dạng, đoàn kết.

Sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số giúp bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ không bị mai một ngôn ngữ mẹ đẻ và duy trì bản sắc riêng của dân tộc mình.

Việc học tiếng mẹ đẻ giúp học sinh dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức, phát triển tư duy, tạo tiền đề cho việc học các môn học khác; góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Điều này cũng góp phần tăng cường tiếp cận giáo dục và tạo ra môi trường học tập thân thiện, thoải mái cho học sinh.

-Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc có ý nghĩa thế nào đối với việc thúc đẩy hòa nhập xã hội, thưa ông?

-Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ chung dễ dàng hơn, đồng thời giữ được bản sắc riêng, từ đó hòa nhập xã hội tốt hơn và tham gia vào sự phát triển của cộng đồng và đất nước.

Bên cạnh đó, việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số còn thể hiện sự tôn trọng và công nhận quyền được học tập và giữ gìn văn hóa riêng của các dân tộc. Điều này phù hợp với nguyên tắc bình đẳng và đa dạng văn hóa, đóng góp vào sự phát triển bền vững và hài hòa của xã hội. Ngoài ra, việc này còn góp phần vào giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

-Là đơn vị duy nhất biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình biên soạn?

-Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản sách dân tộc với những lợi thế đã tích lũy được như đội ngũ biên tập viên biết tiếng một số tiếng dân tộc thiểu số; đội ngũ họa sĩ, nhân viên thiết kế, cán bộ quản lí có năng lực, kinh nghiệm biên tập, xuất bản sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số trong hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể như việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc thiểu số phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, gồm nhiều khâu, bám sát nhiều văn bản.

Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc đã được tiến hành qua các bước như: Tập huấn tác giả và các nhân sự tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số về các nội dung, phương pháp, quy định khi viết tài liệu; nghiên cứu chương trình, xây dựng đề cương chi tiết, thiết kế cấu trúc sách, bài mẫu, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ; điều tra, nghiên cứu, khảo sát thu thập thông tin về nội dung giáo dục tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 17 trại biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5 ở 10 địa phương gồm Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng; dạy thử nghiệm ở 9 tỉnh gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Điện Biên, Sơn La.

Vì có rất nhiều quy định cần tuân theo nên hồ sơ biên soạn sách giáo khoa rất công phu, áp lực công việc đặt ra với các biên tập viên, cán bộ quản lý và hành chính… rất lớn.

-Với công việc khó và mới như vậy, đòi hỏi đội ngũ tác giả biên soạn SGK tiếng dân tộc thiểu số cần có những tiêu chuẩn nào, thưa ông?

-Việc lựa chọn đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số là việc vô cùng khó. Các tác giả phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT và đáp ứng các tiêu chí đặc trưng của trí thức dân tộc thiểu số đã được cộng đồng đồng bào các dân tộc công nhận như: Am hiểu về ngôn ngữ nói chung, am hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông tiếng dân tộc thiểu số; Am hiểu, thành thạo từng ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ram đội ngũ biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc còn cần có năng lực sư phạm và phương pháp dạy học tiếng dân tộc thiểu số; có kinh nghiệm viết sách giáo khoa, sách tham khảo; có kinh nghiệm về giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số, là trí thức được sự công nhận của cộng đồng dân tộc…

Tác giả sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền của đất nước nên việc tổ chức tập huấn cho tác giả khi viết sách, biên soạn sách gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, làm việc online với các tác giả…

Việc dạy thực nghiệm sách giáo khoa tiếng dân tộc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, huyện vùng biên giới, vùng núi xa, biên tập viên cùng ban tổ chức phải đi lại rất vất vả. Một số tiếng dân tộc thiểu số như tiếng Thái, tiếng Mnông lần đầu được biên soạn sách giáo khoa nên trong thực tế không có đủ đối tượng học sinh để dạy thực nghiệm, các giáo viên rất khó khăn trong việc dạy thực nghiệm cho học sinh.

-Trân trọng cảm ơn ông!