Hà Nội: Sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm…, nền kinh tế nước ta đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Hà Nội và cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự khởi sắc. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, các doanh nghiệp Thủ đô đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm nay.
Nhiều điểm sáng
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%.
Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 8,5%; dệt tăng 8%; chế biến thực phẩm tăng 7,4%...
Nhận định về kết quả trên, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương trong 10 tháng năm 2024 tiếp tục thể hiện xu hướng hồi phục tích cực, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của thành phố.
Đặt nhiều kỳ vọng về tình hình thị trường cuối năm, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ, trong những tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ những yếu tố tích cực như: Kinh tế trong nước tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hằng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục phục hồi…
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, để đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ và giữ vững thị phần trên thị trường, song song với tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu.
Tương tự, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm và bắt đầu đàm phán cho giai đoạn đầu 2025.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, với nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại trên toàn cầu, cùng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành; sản xuất công nghiệp trong nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đã có sự phục hồi và đón nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực.
Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Thành phố cũng chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là cho các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất…, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, giảm hàng tồn kho.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt, đề xuất chính sách, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.