Luận đàm thời sự

Nước Mỹ trước thử thách nội bộ

Đại sứ Trần Đức Mậu 05/11/2024 - 07:09

Cứ bốn năm một lần, vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11, ở nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Cùng với cuộc bầu cử tổng thống là cuộc bầu lại toàn bộ 435 thành viên Hạ viện và một phần ba trong tổng số 100 thành viên của Thượng viện cũng như thống đốc ở một số bang.

Năm nay, ngày bầu cử tổng thống và quốc hội là ngày 5-11. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc phe đảng Cộng hòa và Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc phía đảng Dân chủ ganh đua giành ghế Tổng thống.

Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ được nhìn nhận là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ. Nếu đắc cử, ông Trump sẽ là người thứ hai trong số 45 người đã là Tổng thống Mỹ trở lại cầm quyền sau khi bị thất cử ở lần tái ứng cử từ cương vị tổng thống đương nhiệm, còn bà Harris sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, lại còn là người da màu và có nguồn gốc xuất thân nước ngoài.

Cuộc bầu cử tổng thống này còn rất quan trọng đối với nước Mỹ vì thực chất nó là thử thách lớn đối với nước Mỹ về chính trị - xã hội nội bộ. Cụ thể là nước Mỹ rồi đây có thể khắc phục được tình trạng phân rẽ trầm trọng và đối kháng quyết liệt từ lâu nay trong nội bộ chính trường và xã hội hay không. Nếu bà Harris đắc cử thì còn có cơ hội cho nước Mỹ khắc phục tình trạng này. Nếu ông Trump trở lại cầm quyền thì nhiều khả năng tình trạng ấy sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Sự phân rẽ ấy bộc lộ rất rõ trong diễn biến cho đến nay của cuộc vận động tranh cử, trong sự khác biệt đến mức đối kháng lẫn nhau về nội dung cương lĩnh tranh cử giữa ông Trump và bà Harris. Khác biệt cơ bản đến mức phác họa nên hai định hướng trái ngược nhau cho tương lai của nước Mỹ. Nước Mỹ vốn đang trong tình trạng bất hợp tác giữa hai đảng và hai phe suốt thời gian vừa qua giờ có nguy cơ càng bị lún sâu thêm vào tình trạng ấy bởi cuộc bầu cử tổng thống này.

Kinh tế và lạm phát, quyền phá thai của phụ nữ và vấn đề nhập cư là những chủ đề được cử tri Mỹ quan tâm đến nhiều nhất ở lần bầu cử tổng thống năm nay. Những vấn đề đối ngoại như quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, Nga hay Liên minh châu Âu (EU), cuộc chiến tranh ở Ukraine hay ở khu vực Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Iran hay Triều Tiên đều không đóng vai trò quyết định đáng kể đối với việc tác động tới tâm lý và quyết định bỏ phiếu của cử tri.

Cử tri thuộc hai phe nhìn nhận thực trạng nước Mỹ về kinh tế và xã hội cũng trái ngược nhau. Những người ủng hộ ông Trump bi kịch hóa thực trạng nước Mỹ và tin tưởng ông Trump có thể giải cứu được nước Mỹ. Những người ủng hộ bà Harris đánh giá khách quan hơn thành tựu cầm quyền của chính quyền Biden - Harris và cho rằng, bà Harris có thể cứu nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ trở nên còn tồi tệ hơn nếu ông Trump trở lại cầm quyền.

Thực trạng nước Mỹ trước ngày bầu cử như thế là điềm báo chẳng tốt lành gì về thời gian sau bầu cử. Ông Trump và phe cánh có lẽ sẽ không chịu công nhận và chấp nhận thua cử, nên sẽ kiện tụng và gây rối như sau khi ông Trump thất cử ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bà Harris thất cử thì phe đảng Dân chủ chắc chắn sẽ huy động người ủng hộ tạo làn sóng phản đối trong khắp nước Mỹ. Chính trị và xã hội nước Mỹ sẽ không những chỉ bất định mà có thể còn bất an, bất ổn, bạo lực.

Nước Mỹ càng bận rộn với chính mình thì làm sao có thể mạnh được ở thế giới bên ngoài. Xem ra, cuộc bầu cử này chưa thể giúp nước Mỹ vượt qua thử thách phân rẽ nội bộ hiện tại.