Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 5-11-2024
Ngày làm việc thứ mười hai, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở phát triển; Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024: Hứa hẹn một kỳ giải sôi động, hấp dẫn; Tập trung kiểm soát lạm phát năm 2024 không quá 4%; ''Cởi trói'' chính sách để phát triển khu công nghệ cao... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 5-11-2024.
Ngày làm việc thứ mười hai, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở phát triển
Phòng, chống lãng phí, khắc phục “điểm nghẽn” về thể chế nhằm bảo đảm các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác, diễn ra ngày 4-11 trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì các nội dung thảo luận.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1 ngày thảo luận tại hội trường, có 59 đại biểu Quốc hội của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu, có 6 đại biểu tham gia tranh luận (26 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị, chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của các Nghị quyết của Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024: Hứa hẹn một kỳ giải sôi động, hấp dẫn
Chiều 4-11, Báo Hànộimới đã tổ chức họp báo công bố về Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ XI năm 2024. Giải đấu do Báo Hànộimới, Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội phối hợp tổ chức, nhằm tạo sân chơi cho các tay vợt chuyên nghiệp và nghiệp dư, đồng thời thúc đẩy phong trào tập luyện môn bóng bàn trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những tín hiệu lạc quan từ khâu chuẩn bị đang hứa hẹn về một kỳ giải sôi động, hấp dẫn sắp tới.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức khẳng định, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho giải đấu đã hoàn tất. Ban tổ chức giải đã phối hợp với các bên liên quan đến công tác an ninh, y tế…, bảo đảm có sự chuẩn bị tốt nhất cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và các cổ động viên tham gia giải đấu. Tất cả đều quyết tâm làm nên một kỳ giải sôi động, hấp dẫn và thành công.
Tập trung kiểm soát lạm phát năm 2024 không quá 4%
Tình hình kinh tế vĩ mô đang diễn ra ổn định, trong đó có sự đóng góp quan trọng của việc kiểm soát lạm phát có hiệu quả. Đó là nhận định của hầu hết các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước về thực trạng kinh tế Việt Nam. Đồng thời, các tổ chức dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục ghi dấu ấn kiểm soát lạm phát thành công của nước ta.
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2024 không quá 4%, mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ rõ một số giải pháp đáng lưu ý.
Trước hết, các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt là việc quản lý, điều hành giá, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỷ giá…
Cẩn trọng với phụ gia thực phẩm
Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình chế biến hoặc bảo quản nhằm giúp món ăn thêm ngon miệng, hấp dẫn hơn. Hiện có hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép đang trở thành một vấn đề không nhỏ đặt ra trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”.
Nguy hiểm hơn nếu dùng phụ gia không cho phép, nhất là các chất phụ gia tổng hợp, về lâu dài tích tụ trong cơ thể dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể.
Không khoan nhượng với tội phạm buôn bán người
Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn buôn bán người để lại hậu quả khôn lường, vì vậy cần có sự chung tay của toàn xã hội trong công tác đấu tranh, phòng ngừa.
Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Cùng với đó, các đơn vị quán triệt quan điểm phòng, chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ việc làm, giảm nghèo…
''Cởi trói'' chính sách để phát triển khu công nghệ cao
Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển, khu công nghệ cao với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là tiền đề “cởi trói” cả về cơ chế, chính sách, qua đó tạo bệ phóng giúp Khu công nghệ cao Hà Nội trở thành một điểm sáng, đầu tàu phát triển kinh tế của Hà Nội và cả nước.
Để những nội dung về phát triển khu công nghệ cao trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều có chung quan điểm, thành phố Hà Nội phải nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả các cơ chế đặc thù được quy định trong Luật, gỡ vướng mắc, thúc đẩy và phát huy những lợi thế sẵn có của khu công nghệ cao.
Từ đó, thành phố biến Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một điểm sáng, đầu tàu phát triển kinh tế của Hà Nội và cả nước.