Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV - năm 2024:Tích cực chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Hôm nay (4-11), Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV - năm 2024 khai mạc tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
Diễn ra trong 2 ngày, với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thành phố Hà Nội đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập, phát triển”, đại hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của thành phố trong việc chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ với trên 55.000 người, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, chiếm 51% người dân tộc thiểu số toàn thành phố. Từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2019, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và Quyết tâm thư của đại hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố trong việc ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Cùng với sự đồng thuận, cố gắng lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, cùng sống hòa thuận, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, hiện đại.
Thành công nổi bật trong nhiệm kỳ qua là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng nông thôn. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 10%; thu nhập bình quân đầu người tăng đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 0,38%, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 0,2%. Cùng với đó, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu. Nhờ đó, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các đơn vị, địa phương được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp khen thưởng.
Đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV - năm 2024 là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố. Đại hội tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi từ Đại hội lần thứ III năm 2019 đến nay. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc ở các địa phương và của thành phố giai đoạn 2024-2029. Đồng thời là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Đại hội đặt ra mục tiêu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng đồng bằng và đô thị; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả, lợi thế của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào; bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, phấn đấu sớm rút ngắn, tiến tới không còn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt là xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tăng cường đồng thuận xã hội; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Tiếp tục phấn đấu Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng bộ và nhân dân xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đại hội đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029 gồm: Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85% và 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%.
Đồng thời, duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định. Đặc biệt là giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu;100% đảng bộ xã và chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đại hội cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt được những chỉ tiêu phấn đấu trên. Đại hội biểu thị niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ trao tặng 4 kỷ niệm chương, 6 bằng khen (1 tập thể, 5 cá nhân); Chủ tịch UBND thành phố tặng 50 bằng khen (14 tập thể, 36 cá nhân); Trưởng ban Dân tộc thành phố tặng 120 giấy khen (20 tập thể, 80 cá nhân) vì có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của thành phố.