Những khoản chi “vô hình”
Tháng 10-2024, tại Việt Nam, người tiêu dùng bắt đầu làm quen với cái tên Temu. Đây là một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, được cho là đã tràn vào Nhật Bản, Philippines từ giữa năm ngoái, gây ra phản ứng trái chiều cả từ nhà quản lý, người tiêu dùng ở một số quốc gia tại châu Âu, Bắc Mỹ...
Sự xuất hiện của Temu tại nước ta, với khả năng cung cấp hàng giá rẻ nhờ định hướng kinh doanh bỏ qua khâu trung gian, được đánh giá là có khả năng thúc đẩy thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, nơi vốn đã có nhiều sàn thương mại điện tử có sức hút lớn đối với khách hàng như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Amazon, Adayroi...
Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử lớn và vô số trang bán hàng trực tuyến của tổ chức, cá nhân được thiết lập qua nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo... trong thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi cơ bản về cách thức mua sắm của người Việt. Giờ đây, thay vì xem xét, đánh giá chất lượng hàng hóa, trả giá và mua hàng trực tiếp, ngày càng có nhiều người gửi gắm niềm tin khi mua hàng vào những nhà phân phối mà thông tin về họ chỉ được biết qua mạng xã hội.
Đó là điều đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh hiện có tới gần 50 triệu người Việt tham gia mua bán online và chỉ trong quý I năm nay đã có khoảng 760 triệu đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước - theo số liệu của Bộ Công Thương. Vấn đề đặt ra không chỉ là sự chìm nổi của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước, chợ truyền thống, vô số nhà bán lẻ đang phải trả lại mặt bằng thuê làm cửa hàng bởi kinh doanh ế ẩm do “làn sóng hàng online không thể cản”, mà còn là bài toán quản lý - về thuế, chất lượng hàng hóa, giá, bảo vệ người tiêu dùng. Đó còn là thói quen tiêu dùng và ảnh hưởng từ đó đối với sự ổn định trong cuộc sống của các gia đình, văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng, thậm chí là với môi trường sống...
Thực tế muôn màu cho thấy sự lo ngại là có cơ sở. Sau “cơn bão” kinh doanh đa cấp với nhiều người cao tuổi “dễ lừa” có xu hướng vì một món quà nhỏ không có giá trị sử dụng thực tế mà bỏ ra một khoản tiền lớn hơn nhiều để tìm kiếm mối lợi nhiều khi quá viển vông, tới lượt các nhà kinh doanh online thu hút những người “nghiện mua sắm” bằng nhiều loại hàng giá rẻ. Nhiều thứ được bán với giá rẻ ở mức khiến người mua không có cảm giác xót xa khi vung tay, nhẹ nhõm khi hàng tuần mang về thêm những thứ không hẳn đã cần thiết cho cá nhân và gia đình. Một chiếc áo,“máy giặt cá nhân”, chiếc “máy” phóng to màn hình điện thoại, giàn phơi “thông minh”, đôi giày “hàng châu Âu - giá Việt”... Từng thứ một được mang về nhà, có biết bao món “mua rồi mới biết không như quảng cáo trên mạng”, bỏ thì tiếc mà giữ lại cũng chẳng để làm gì. Rác tiêu dùng vì thế mà nhiều lên, ảnh hưởng đến môi trường sống trong gia đình và ngoài xã hội.
Người ta đang nói về “cơn nghiện” mua sắm hàng online giá rẻ ở nhiều người, về sự hào hứng đối với cách mua sắm “hợp thời đại” qua hình ảnh các bà, các cô ngồi ở nhà, trong công sở ung dung “bấm nút” rồi chờ hàng được mang tới, về cái sự “đáng là bao” khi được chất vấn vì sao mua về đồ dùng chưa cần thiết hoặc có chất lượng không đúng như kỳ vọng... Sự dễ dãi, cách mua sắm tùy hứng, coi nhẹ những khoản chi nhỏ không chỉ dẫn chúng ta tới thói quen tiêu dùng hoang phí mà còn gián tiếp tiếp tay cho những người buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và văn hóa tiêu dùng.
Hình thức mua bán online mang đến cho con người sự tiện dụng, đáp ứng nhu cầu của nhiều người có điều kiện thời gian eo hẹp, phù hợp với xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt, nhưng cũng có thể gây hại nếu người tiêu dùng không tỉnh táo và thiếu cân nhắc khi mua bán. Sự xuất hiện của những sàn thương mại, những trang bán hàng online chuyên mặt hàng giá rẻ cho người tiêu dùng thêm lựa chọn, nhưng cũng có thể khiến họ chịu thiệt hại nặng nề từ những khoản chi tưởng như “vô hình” nếu không có bản lĩnh kìm hãm “cơn nghiện mua sắm”.