Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
Sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Chương trình).
Làm rõ cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, Chương trình nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với đối tượng thụ hưởng bao gồm người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: Chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của Chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi, đạt hiệu quả; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động của các Chương trình mục tiêu để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực các nội dung, hoạt động, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma túy; việc ban hành cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình và giải pháp để thực hiện Chương trình...
Gọn đầu mối, tăng cường phân cấp
Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả, hiểm họa khôn lường của ma túy liên quan đến sức khỏe, giống nòi, an ninh quốc gia, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là chương trình hết sức quan trọng đối với đất nước, dân tộc. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến hết năm 2030 là trọng tâm, trọng điểm trong công tác phòng, chống ma túy.
“Thời gian qua, đã có Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Ban chỉ đạo về phòng, chống HIV/AIDS; Ban chỉ đạo về phòng, chống mại dâm và đã thực hiện hết sức quyết liệt nhưng vì sao số lượng ma túy ngày càng tăng, người mua bán, sử dụng ma túy và đối tượng nhiễm HIV ngày càng tăng?”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Thực tiễn cho thấy, nhiều lần, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy. Mặc dù được đầu tư nhiều ngân sách để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, nhưng thời gian qua, ma túy thật sự là hiểm họa, gây tác hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, sức khỏe con người. Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác phòng là chính, Chương trình được đưa ra lần này nhằm đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân, niềm tin của các gia đình.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cân nhắc các chỉ tiêu của Chương trình, đề ra thì phải thực hiện được, liệu một số chỉ tiêu có quá cao hay không, chẳng hạn như phấn đấu 100% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá. Đồng thời, đề nghị làm rõ việc bố trí nguồn vốn đã đủ cho công tác phòng, chống ma túy hay chưa, cân đối các nguồn vốn để bảo đảm Chương trình được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư vì đây là chương trình hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có đề cập sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù; vậy nội dung cơ chế đặc thù thực hiện cụ thể như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát xem Chương trình này có trùng lắp phạm vi, đối tượng, nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa hay không. Bài học trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm các cơ quan trong chương trình, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để giải quyết thấu đáo, đảm bảo gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp, phân quyền.
Đánh giá hồ sơ Chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp hôm nay để hoàn chỉnh Chương trình và dự thảo Nghị quyết; đồng thời lưu ý trong Tờ trình của Chính phủ bổ sung nội dung về Luật Phòng, chống ma túy đã được thông qua tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Chính phủ cần đánh giá việc triển khai Luật đến nay như thế nào; rà soát xem các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định để triển khai Luật đã đầy đủ chưa. Đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi để xây dựng Chương trình, tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này, vì thế cần bổ sung thêm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, muốn không có tệ nạn ma túy thì gia đình, nhà trường, xã hội phải cùng vào cuộc; trong đó, cái gốc là tại gia đình, gia đình phải quản lý con em mình; nhà trường quản lý học sinh, sinh viên; xã hội có các biện pháp để ngăn chặn.
“Hiện nay, giáo dục, tuyên truyền, vận động là giải pháp căn bản. Làm thế nào để toàn dân tham gia phòng, chống ma túy bằng ý thức tự giác để cùng lực lượng chức năng tố giác, phát hiện; đồng thời cần khen thưởng kịp thời cá nhân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo nguồn lực thực hiện. Việt Nam không chỉ là nơi trung chuyển mà nguy cơ trở thành địa điểm sản xuất, phân phối ma túy quốc tế. Để không xảy ra tình trạng này, nguồn lực như thế này đã đảm bảo hay chưa? Bộ Công an phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần giải trình và tính toán kỹ hơn về vấn đề này.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nguồn vốn đầu tư của Chương trình trong 5 năm là không nhiều, do đó, cần tập trung dành cho những nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, trong năm 2025, cần bố trí một nguồn vốn nhất định và dành thời gian rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy, những văn bản liên quan khác để vừa phòng, chống, giảm cung cầu và giảm tác hại của ma túy.