Y tế

Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm ra sao?

Bảo Ngọc 03/11/2024 11:14

Thời điểm hiện tại, số ca bệnh sởi có xu hướng tăng lên tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi. Đáng lo ngại, bệnh sởi ở người lớn có thể dẫn đến biến chứng viêm não, viêm màng não, gây rối loạn tuần hoàn đường hô hấp...

1920-sick-wasted-man-lying-.jpg
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sởi ở người lớn có thể trở nặng gây biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh sởi ở người lớn khó phát hiện sớm

Thống kê của CDC Hà Nội cho thấy, cộng dồn từ đầu năm đã ghi nhận 35 trường hợp mắc bệnh sởi, không có ca tử vong nhưng số ca mắc sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo năm nay, dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong do bệnh sởi.

CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Nhiều người cho rằng bệnh này chỉ trẻ nhỏ mới mắc, người lớn ít khi mắc sởi bởi đa số đã nhiễm bệnh từ khi còn nhỏ và được tiêm phòng nên miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa có miễn dịch. Những dấu hiệu của bệnh sởi bao gồm: Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu; ho khan, ngạt mũi, sổ mũi chảy nước mũi; mắt đỏ, cộm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, sưng nề mi mắt; phát ban sau sốt cao 3 - 4 ngày, ban hồng nổi cộm lên mặt da, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Do những biểu hiện ban đầu của bệnh sởi là sốt, ho, chảy nước mũi... nên nhiều người mắc bệnh dễ bỏ qua vì nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sự chủ quan của bệnh nhân có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng do bệnh nhân không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh. Từ đó, bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Tiêm vắc xin là cách phòng chống hiệu quả nhất

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện... hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư... chính vì vậy dễ gây thành dịch. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Bệnh sởi gây ra bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae lây lan nhanh qua đường hô hấp, không chỉ gây ra triệu chứng cấp tính mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, tổn thương đa cơ quan, để lại nhiều biến chứng nặng nề suốt đời như viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc...”.

Phụ nữ mang thai nếu mắc sởi có thể dẫn đến dị tật thai nhi, sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu. Do đó, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi, có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Vắc xin phòng sởi và vắc xin kết hợp sởi - quai bị - rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó, sau hai mũi vắc xin sởi - quai bị - rubella có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trước khi có thai tốt nhất 3 tháng. Ngoài ra, đối tượng này cần chủ động chủng ngừa mũi ho gà - bạch hầu - uốn ván trong thai kỳ để bảo vệ con khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.

Để phòng tránh bệnh, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân...). Khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.