“Trò chuyện” văn chương cùng các nhà văn Thụy Điển
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kỷ niệm 55 năm mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, cuộc tọa đàm và triển lãm “Giữa những dòng chữ” gần đây đã mang đến cho độc giả Việt cơ hội được “trò chuyện” với các nhà văn đến từ “đất nước không bao giờ ngủ”.
Mặc dù đất nước Thụy Điển “sở hữu” giải Nobel và có tới 7 tác giả Thụy Điển từng được trao Nobel văn chương, mặc dù “tình bạn” giữa Thụy Điển và Việt Nam đã có từ rất lâu, nhưng số lượng tác phẩm văn học Thụy Điển được chuyển ngữ tiếng Việt vẫn còn quá ít ỏi so với một số nền văn học khác. Có thể điểm danh vài cái tên như Selma Lagerlöf với “Kho báu”, Patrik Svensson với “Phúc âm của loài cá chình”, Fredrik Backman với “Người đàn ông mang tên Ove”. Những năm gần đây, văn học Thụy Điển được độc giả trẻ nước Việt biết đến nhiều hơn qua các đầu sách trinh thám.
Cả một dòng “trinh thám Bắc Âu” với lối triển khai tình tiết chậm rãi, có chiều sâu, tạo nên “chất” riêng đã thu hút độc giả ưa phiêu lưu và khám phá qua sách. Đó là Kerstin Ekman với “Làng Blackwater”; Camilla Läckberg với “Kẻ tẩy não”, “Công chúa băng”; Stieg Larsson với serie “Millennium” gồm “Cô gái có hình xăm rồng”, “Cô gái đùa với lửa”, “Cô gái chọc tổ ong bầu”; Henning Mankell với “Tường lửa”, “Chậm một bước”, “Chuyến đi đến tận cùng thế giới”, “Bầy chó Riga”; Kristina Ohlsson với bộ ba tiểu thuyết dành cho thiếu nhi “Lũ trẻ thủy tinh”, “Cậu bé bạc”, “Thiên thần đá"...
Theo nhà văn Anna-Karin Palm, thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, văn học Thụy Điển không chỉ giúp xóa mù chữ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, góp phần vào quá trình phát triển dân chủ và là tiếng nói cho các nhóm yếu thế trong xã hội. “Trong những năm gần đây, sẽ khó có thể nhìn ra được xu hướng viết nổi bật bởi vì đã có sự giao thoa và đa dạng hơn trong văn hóa và ngôn ngữ Thụy Điển. Và chúng tôi tạm gọi đây là sự “chạng vạng” trong phát triển văn học của Thụy Điển bởi vì có sự giao thoa giữa các thế hệ và những bước chuyển đổi lớn trong tư tưởng và quan niệm viết văn. Hiện có nhiều cây bút Thụy Điển đang tập trung nhiều hơn vào những số phận lề hóa trong xã hội” - nhà văn Anna-Karin Palm cho biết.
Văn chương không chỉ tồn tại trong những trang chữ, mà còn trước, trong và sau khi viết nên những trang chữ ấy. Để độc giả Việt hiểu thêm về văn học Thụy Điển, bởi vậy, triển lãm “Giữa những dòng chữ” đã mang đến những quan điểm, những góc nhìn và chia sẻ của một số nhà văn Thụy Điển. “Vì sao chúng ta cần bàn về văn chương?”, “Thế nào là một quyển sách tranh hay?”, “Văn học trở thành nhân chứng lịch sử như thế nào?”, “Vì sao việc thu thập câu chuyện lại quan trọng?”...
Trả lời những câu hỏi này, nhà văn Marie Lundström đã viết: “Khi bàn về văn chương, ta chấp nhận rằng thế giới có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, rằng thế giới có thể tồn tại theo nhiều cách khác nhau”. Còn tác giả Elin Anna Labba thì cho rằng: “Văn học là nơi để ta chiếm lại những gì từng là của mình, để ta hàn gắn, để ta miệt mài kiếm tìm những ngôn từ ta đã từng đánh mất, những ngôn ngữ không còn được tiếp nối”. Giao lưu trực tiếp với độc giả Việt Nam, nhà văn Karin Smirnoff khẳng định: “Văn chương là cây cầu kết nối những câu chuyện và trải nghiệm của chúng ta. Tôi rất vui mừng được chia sẻ câu chuyện của mình và học hỏi từ cộng đồng văn học sôi động ở Việt Nam”.
Với độc giả Việt Nam, có lẽ, mảng sách đến từ Thụy Điển quen thuộc hơn cả là truyện kinh dị, thơ và đặc biệt là văn học dành cho thiếu nhi. Dường như những “gương mặt” nổi bật nhất trong văn học thiếu nhi của đất nước Bắc Âu này đều đã được giới thiệu đến bạn đọc nhỏ tuổi nước Việt. Trước hết là Selma Lagerlöf - nhà văn nữ đầu tiên của Thụy Điển cũng như của thế giới từng được trao Nobel và cuốn sách “Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils Holgersson” của bà luôn là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam yêu thích.
Tiếp đó là nhà văn Astrid Lindgren với bộ ba nhân vật đầy lý thú nhóc Emil, Pippi tất dài và cậu bé Karlsson. Những năm gần đây, các tác phẩm của “nữ thánh văn học thiếu nhi” Astrid Lindgren được chuyển ngữ tiếng Việt ngày càng nhiều với “Mio, con trai ta”, “Anh em Sư tử Tâm”, bộ sách "Làng Ồn ào", bộ sách "Lotta". Hay một số bộ sách tranh, truyện tranh hấp dẫn như bộ sách “Tình bạn trong sáng” của nhà văn Rose Lagercrantz, bộ sách “Những người bạn tốt” của nhà văn Gunilla Wolde, bộ sách tranh khoa học “... Và hơn thế nữa” của tác giả Lena Sjöberg...
Bàn về truyện tranh, sách tranh cho thiếu nhi, tác giả Emma Adbåge cho rằng “cái hay của một quyển sách tranh là nhờ sự tương tác thông minh và tinh tế giữa ngôn từ và hình ảnh giúp cho cuốn sách còn sống mãi”. Với xu hướng đọc của hiện tại, truyện tranh, sách tranh sẽ không còn là “đặc quyền” của trẻ con, bởi “hình ảnh là một dạng van xả cảm xúc” giúp làm dịu câu chuyện và người đọc có thể tiếp thu dễ dàng hơn. Theo nhà văn Bim Eriksson, “với những câu chuyện chứa các yếu tố khó giải thích, hình ảnh minh họa trở thành công cụ giúp chúng ta ngẫm nghĩ sâu sắc hơn”.