Ngành Giáo dục Thủ đô: Tiên phong đổi mới, khẳng định vị thế dẫn đầuNâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nhân lực cho Thủ đô và đất nước
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng với thầy trò ngành Giáo dục Thủ đô khi tròn 70 năm thành lập. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao, toàn ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, luôn tiên phong đổi mới, khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước.
Ghi nhận thành tích xuất sắc của ngành Giáo dục Thủ đô, Chủ tịch nước đã có quyết định trao tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Huân chương Lao động hạng Nhất đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Nhân dịp này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trò chuyện về kết quả cũng như định hướng phát triển giáo dục Thủ đô.
Dấu ấn 70 năm
- Kỷ niệm 70 năm thành lập (1954 - 2024), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông có thể chia sẻ về chất lượng giáo dục của Hà Nội trong năm học vừa qua?
- Ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đại trà. Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tiếp tục thăng hạng về thứ hạng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Với hơn 100.000 thí sinh - dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh, song tỉ lệ tốt nghiệp toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc về thứ hạng so với năm 2023, từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Hà Nội còn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi đạt điểm 10 với 915 bài. Trong 200 thí sinh cả nước có tổng điểm thi cao nhất, Hà Nội có 33 em, trong đó một em có tổng điểm thi cao nhất cả nước là 57,85 điểm. Số lượng trường có tỉ lệ tốt nghiệp 100% là 194 trong 269 trường. Đáng chú ý, tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở khối giáo dục thường xuyên Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỉ lệ tốt nghiệp chung ở khối giáo dục thường xuyên của cả nước, cao nhất trong 5 năm qua. Đây là minh chứng cho sự kiên trì nỗ lực của cả người học, người dạy cũng như hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà một cách bền vững và toàn diện.
- Chất lượng giáo dục mũi nhọn của thành phố có đóng góp thế nào trong bức tranh chung, thưa ông?
- Không chỉ giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của thành phố cũng ghi dấu ấn xuất sắc. Năm 2024, Hà Nội có sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn khi có 2 học sinh giành Huy chương vàng Olympic quốc tế ở môn sinh học và hóa học.
Được Bộ GD-ĐT tin tưởng, tiếp tục giao nhiệm vụ đại diện cho Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế năm nay, học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành kết quả ấn tượng. Tại kỳ thi toán và khoa học quốc tế, 100% thành viên đoàn học sinh Thủ đô gồm 24 em đều đoạt giải với 9 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng; đoàn Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn - thành tích cao nhất từ trước tới nay.
Tham dự Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế năm nay, học sinh Hà Nội đoạt 2 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng. Đây là lần đầu tiên, 100% học sinh của đoàn đều đoạt huy chương, kể từ lần đầu dự thi vào năm 2016.
- Thưa ông, để đạt kết quả nêu trên, ngành Giáo dục thành phố đã có được sự quan tâm đầu tư thế nào, nhất là trong bối cảnh quy mô học sinh hằng năm tăng mạnh?
- Thành phố luôn ưu tiên cân đối ngân sách để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm đủ trường, lớp học cho học sinh; đồng thời tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục. Thành phố cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở các nhà trường có tiến bộ bền vững.
Hiện nay, toàn thành phố có 23 trường chất lượng cao; gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Thành phố đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến. Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ là nơi kết tinh của nhiều mô hình giáo dục hiện đại, ngang tầm quốc tế, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nhân lực cho Thủ đô và đất nước.
Quyết tâm bứt phá, tiên phong đổi mới căn bản và toàn diện
- Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, xin ông cho biết quy mô giáo dục Thủ đô hiện nay phát triển thế nào?
- Theo tư liệu, khi mới thành lập, toàn ngành chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Sau 70 năm, toàn thành phố hiện có 2.875 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, với 2,3 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Hà Nội là một trong số ít các địa phương được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Kết quả phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được giữ vững.
- Khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, ngành Giáo dục Thủ đô đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Điều đó thể hiện cụ thể thế nào với từng cấp học, thưa ông?
- Mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô. Ở cấp mầm non, tỉ lệ trẻ được huy động ra lớp ngày càng cao, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi được giữ vững. Chất lượng giáo dục tiểu học toàn thành phố được bảo đảm, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình hằng năm đạt từ 99,5% trở lên. Ở cấp trung học, học sinh Hà Nội liên tục ở tốp đầu cả nước tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. 10 năm trở lại đây, năm nào học sinh Hà Nội cũng đạt gần 1.500 giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và gần 130 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế.
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường học được thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng. Giáo viên, học sinh đều hào hứng và đáp ứng tốt với chương trình mới. Học sinh thể hiện một số mặt về kỹ năng nổi trội hơn so với khi học chương trình hiện hành.
- Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ làm gì để thích ứng?
- Sở GD-ĐT Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong của thành phố trong việc thực hiện chuyển đổi số và đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa cho hoạt động dạy, học, quản lý, nỗ lực góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong ngành Giáo dục như chỉ đạo của thành phố. Nội dung này cũng nhằm thực hiện hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.
Hà Nội sẽ tiếp tục vận hành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh nhằm phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố; triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; tăng cường hiệu quả sử dụng Hệ thống ôn tập trực tuyến HanoiStudy bằng việc kết nối với cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GD-ĐT quản lý nhằm giúp giáo viên, học sinh tự ôn luyện.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử; tăng cường áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí với phụ huynh; đẩy mạnh việc áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10...
- Bước sang năm học thứ 11 triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục Thủ đô tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Những năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và nét đẹp tự hào về văn hóa, con người Hà Nội cho học sinh. Các thế hệ học sinh Thủ đô trưởng thành đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô giàu mạnh. Đây cũng sẽ là nội dung mà toàn ngành tiếp tục tập trung triển khai giai đoạn tới bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với quyết tâm bứt phá mạnh mẽ, tiên phong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành cũng tích cực thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó chú trọng nội dung từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phấn đấu là địa phương tiên phong về nội dung này.
- Trân trọng cảm ơn ông!