Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024: Rộng mở những chân trời sáng tạo
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đang diễn ra hứng khởi tại các rạp, điểm diễn của Thủ đô, với sự tham gia của 12 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Kỳ liên hoan này đánh dấu bước mới trong tổ chức khi không chỉ xuất hiện các đơn vị nghệ thuật ngoài địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng đề tài.
Đây là cơ hội để các tác phẩm hay cùng đua tài và các đơn vị sân khấu học hỏi, giao lưu, tạo những chuyển động mới, chân trời sáng tạo mới cho sân khấu Thủ đô.
Đa dạng phong cách, loại hình và đề tài
Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng - năm 2024 là hoạt động nghệ thuật quy mô toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, từ ngày 1 đến 9-11.
Các đại diện của Hà Nội tiếp tục tham gia liên hoan khá đầy đủ với những tác phẩm tâm huyết. Đó là Nhà hát Kịch Hà Nội với vở “Khoảng trống”, Nhà hát Chèo Hà Nội với vở “Người hát ả đào”, Nhà hát Múa rối Thăng Long với vở “Hoàng đế cờ lau”, Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở “Lý Thường Kiệt”. Các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội cũng tích cực góp mặt, như Nhà hát Cải lương Việt Nam với vở “Cánh cửa khép hờ”, Nhà hát Chèo Quân đội với vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Nhà hát Tuổi trẻ với vở “Ông không phải là bố tôi”, Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến vở “Hoàng thành Thăng Long. Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở "Thiếu phụ Nam Xương”.
Ở kỳ liên hoan này, các đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia ít hơn, chỉ có Sân khấu LucTeam với vở “Lộ hàng”. Song bù lại, có các đơn vị nghệ thuật công lập của các tỉnh, thành phố lân cận góp mặt, tạo sự mới mẻ và hấp dẫn cho liên hoan. Đó là Đoàn Chèo Hải Phòng với vở “Hồ Xuân Hương”, Nhà hát Chèo Bắc Giang tham gia vở “Sóng ven đô”.
Khác với các kỳ liên hoan trước, các tác phẩm chỉ tập trung về đề tài Hà Nội hoặc mang hơi hướng về Thủ đô, kỳ này đem đến cho khán giả các vở diễn đa dạng phong cách, loại hình và đề tài. Các tác phẩm về mảnh đất ngàn năm văn hiến và đời sống Hà Nội hiện nay vẫn chiếm đa số. Có thể kể đến vở chèo “Người hát ả đào” về những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, nghệ sĩ, trí thức… đã đồng lòng đi theo cách mạng. Hay vở múa rối “Hoàng thành Thăng Long” kể về bề dày lịch sử của một di sản, một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Liên hoan cũng có tác phẩm về những danh nhân, anh hùng, văn sĩ như vở “Lý Thường Kiệt”, “Hồ Xuân Hương”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”… Khán giả còn được thưởng thức những tác phẩm đề tài đời sống xã hội hiện đại, như vở kịch nói “Khoảng trống” về giới trí thức hay vở “Lộ hàng” về giới giải trí… Liên hoan có tác phẩm về đề tài nông thôn như “Sóng ven đô” và có tác phẩm lạ về đề tài trí tuệ nhân tạo, thế giới giả tưởng như “Cánh cửa khép hờ”…
Loại hình nghệ thuật góp mặt khá đa dạng, nhiều nhất là kịch nói, rồi đến chèo, cải lương, múa rối, tuồng. Nhưng tiếc là kỳ liên hoan này thiếu những loại hình sân khấu hấp dẫn, được ưa chuộng như xiếc, nhạc kịch, kịch hình thể…
Hướng tới nâng chất lượng sân khấu
Năm 2024 là một năm có khá nhiều liên hoan, cuộc thi nghệ thuật sân khấu. Đây cũng là lý do mà Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng lần này ít vở diễn hơn kỳ trước. Tuy nhiên, Tiến sĩ, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng có nét riêng, khác biệt. Đó là mỗi đơn vị chỉ chọn 1 tác phẩm tốt nhất và mới dàn dựng, chưa tham gia liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, được góp mặt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, đây là dịp để đánh giá hoạt động sân khấu Thủ đô hai năm qua; là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, từ đó định hướng sáng tạo ra nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao phục vụ nhân dân Thủ đô và khán giả cả nước trong thời kỳ mới. Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bày tỏ, việc tổ chức nhiều kỳ liên hoan sân khấu trong năm, tuy tạo áp lực cho các đơn vị nghệ thuật, nhưng cũng cho thấy đời sống sân khấu sôi động, được sự hưởng ứng không chỉ của các đơn vị mà cả khán giả.
Nhiều đơn vị nghệ thuật bày tỏ ủng hộ liên hoan sân khấu mang thương hiệu Hà Nội này mở rộng hơn. Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội cho hay, việc mở rộng để các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia và không bó buộc đề tài, tạo cho liên hoan thành dịp giới thiệu, quảng bá sân khấu của Hà Nội tới khán giả và đồng nghiệp các địa phương. Bên cạnh đó, người làm nghề của Thủ đô cũng được thưởng thức, giao lưu với sân khấu cả nước.
Nghệ sĩ nhân dân Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội chia sẻ, đơn vị tích cực tham gia liên hoan này với mong muốn góp tiếng nói của sân khấu quân đội tới liên hoan và giới thiệu về chèo quân đội tới đông đảo công chúng. Tuy vậy, Nghệ sĩ nhân dân Quốc Trượng cũng góp ý, muốn liên hoan trở thành một nơi giao lưu, học hỏi về chuyên môn nhằm thúc đẩy sự phát triển của sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung, Ban tổ chức nên có những cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề hoặc những cuộc họp trao đổi, rút kinh nghiệm thẳng thắn trong khuôn khổ liên hoan.
Mong rằng, trong những ngày tới, khán giả được tận hưởng nhiều cung bậc cảm xúc với những tác phẩm sân khấu sáng tạo; còn giới chuyên môn được giao lưu, gắn kết có nhiều cảm hứng để cùng tạo bước phát triển mới cho sân khấu.