Ô nhiễm không khí ở mức cao: Làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Thành phố Hà Nội đang trải qua những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chỉ số đo được đều ở mức có hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia, “mùa” ô nhiễm không khí ở Thủ đô thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Do đó, người dân cần tăng cường các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí như hiện nay.
Thủ phạm của nhiều loại bệnh
Khoảng một tháng trở lại đây, da mặt chị H.H.V (38 tuổi, ở quận Hà Đông) xuất hiện nhiều mụn mủ, tập trung nhiều ở vùng mũi, trán, má. Đặc biệt, vùng da bị tổn thương ửng đỏ, phù nề và nhìn rõ các mạch máu. Thăm khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương, chị V. được chẩn đoán mắc bệnh “trứng cá đỏ” mà nguyên nhân do ô nhiễm không khí.
Cũng tại Bệnh viện Da liễu trung ương, chị L.T.H (40 tuổi, ở quận Cầu Giấy) đến khám trong tình trạng da bị căng đỏ, nứt nẻ và nóng rát. Mặc dù chị H. vẫn chăm sóc da đều đặn, bôi kem dưỡng ẩm cả sáng và tối nhưng các biện pháp này đều không có tác dụng. Chị không ngờ thủ phạm khiến làn da rơi vào tình trạng này là do ô nhiễm không khí.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, thành phố Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số bụi mịn PM 2.5 ở mức cảnh báo nguy hại. Cùng với đó, thời tiết hiện vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp tạo điều kiện cho nhiều bệnh về da gia tăng.
“Thời điểm này, da không chỉ xấu hơn mà còn mất đi lớp hàng rào bảo vệ, khiến dị nguyên từ môi trường, đặc biệt là bụi mịn dễ dàng xâm nhập. Do đó, da trở lên nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn. Các bệnh gặp phải chủ yếu là căng da, nứt nẻ; da bị mẩn ngứa; ửng đỏ kéo dài. Đặc biệt, với trường hợp da có tiền sử mẫn cảm, đang trong quá trình làm đẹp (peel da, meso), da từng chịu tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid... thì mức độ bệnh càng nặng nề”, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà phân tích.
Không chỉ các bệnh về da, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội còn khiến gia tăng tình trạng viêm mũi xoang do dị ứng với bụi mịn và khí thải. Bị hắt hơi liên tục 2 tuần mỗi khi ra khỏi nhà, chị M.T (24 tuổi, ở quận Long Biên) nghĩ mình bị cảm cúm nên tự mua thuốc về uống nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó, chị tới khám tại Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) và được chẩn đoán viêm mũi dị ứng.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, viêm mũi dị ứng có các triệu chứng phổ biến là chảy nước mũi, ngứa, hắt hơi, tăng phản ứng phế quản hoặc tắc nghẽn luồng khí. Với tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội như hiện nay, những người có tiền sử bệnh viêm mũi xoang từ trước sẽ càng tăng nặng.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Việc phải tiếp xúc với bụi mịn trong khí thải từ ô tô, xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ khoảng 10-20%.
Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng
Để bảo vệ sức khỏe vào thời điểm này, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang bảo đảm chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách; vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại. Mặt khác, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Riêng người hút thuốc lá, thuốc lào nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút. Với người không hút thuốc, nên tránh xa khói thuốc.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), mọi người nên tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng, trong đó bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C rất có lợi cho những ai bị viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, thực hành thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi khi ra ngoài trở về nhà. Với người già và trẻ em nên hạn chế ra ngoài trời vào các ngày được dự báo ô nhiễm không khí ở mức có hại.
Đưa ra lời khuyên về các biện pháp bảo vệ da trong “mùa” ô nhiễm, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà lưu ý, người dân cần làm sạch da mặt, sử dụng đều đặn kem dưỡng ẩm để giữ lại hàng rào bảo vệ cho da. Những bệnh nhân có tiền sử da nhạy cảm, đang điều trị bệnh về da... khi có các dấu hiệu da khô, bất thường, tuyệt đối không tùy tiện bôi các loại thuốc, kem dưỡng ẩm lạ, không rõ nguồn gốc mà cần được thăm khám bởi các chuyên gia da liễu để được tư vấn và điều trị sớm.