33 triệu người Nigeria có nguy cơ thiếu lương thực
Nigeria đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng đói kém tồi tệ nhất với hơn 30 triệu người có thể sẽ mất an ninh lương thực vào năm tới, tăng 30% so với năm nay do khó khăn kinh tế.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 1-11, Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt dẫn đến các cuộc biểu tình chết người vào tháng 8.
Khó khăn kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Bola Tinubu bắt đầu áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng, phá giá đồng naira và chấm dứt trợ cấp xăng dầu kéo dài hàng thập kỷ, làm gia tăng lạm phát.
Theo các phân tích được tiến hành 2 lần trong năm qua tại 26 tiểu bang và thủ đô, 33,1 triệu người sẽ thiếu lương thực vào tháng 8 năm sau. Một số nguyên nhân chủ yếu được xác định là do khó khăn kinh tế cùng lạm phát cao, giá lương thực tăng và chi phí vận chuyển cao kỷ lục.
Theo thống kê, giá lương thực tăng lên 32,70% vào tháng 9 từ mức 32,15% vào tháng 8. Lũ lụt tháng trước đã phá hủy khoảng 1,6 triệu ha cây trồng, chủ yếu ở các tiểu bang được coi là vựa lương thực phía bắc, có khả năng gây ra thiệt hại về sản lượng lên tới 1,1 triệu tấn ngô, cao lương và gạo. Con số này chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực hằng ngày của khoảng 13 triệu người trong một năm.
Những người buôn bán thực phẩm ở khu vực đông nam, bao gồm các bang Abia, Anambra, Enugu, Imo và Ebonyi, đã phản ánh tình trạng tống tiền tại các chốt chặn trên nhiều tuyến đường do các sĩ quan quân đội và bán quân sự dựng lên. Nhiều nông dân ở Tây Bắc, Trung Bắc và Đông Bắc đã không đến trang trại của họ để tránh bị bắt cóc hoặc bị khủng bố giết hại, cướp bóc.
Về mặt tài chính, thiệt hại tiềm tàng về mùa màng ngũ cốc lên tới gần 1 tỷ USD. Tình hình trên sẽ tiếp tục đẩy giá lương thực lên cao vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình.
Bà Chi Lael, phát ngôn viên của Chương trình lương thực thế giới (WFP) tại Nigeria cho biết, các quyết định kinh tế nhằm củng cố đất nước trong ngắn hạn và dài hạn giống như một cuộc tấn công trực tiếp vào ví tiền của người dân, gây tổn hại nặng nề nhất mỗi khi họ cố gắng mua thực phẩm.
Theo Báo cáo an ninh lương thực của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến tháng 9-2024, Nigeria được xếp hạng là quốc gia thứ 5 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát lương thực trên thế giới và thứ 3 ở châu Phi, sau Malawi và Liberia.
Số lượng người Nigeria phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đã tăng 28% kể từ năm 2023, khiến quốc gia này đứng đầu trên toàn cầu về tình trạng gia tăng của nạn đói.