Miền Bắc lạnh và rét, miền Trung ứng phó mưa lớn
Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc không mưa, thời tiết lạnh và rét. Miền Trung ứng phó mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh nên đêm nay (1-11) và sáng mai, thành phố Hà Nội không mưa, gió Đông Bắc mạnh cấp 2; thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C. Trưa và chiều mai (2-11), Hà Nội nắng, nhiệt độ cao nhất 30-32 độ C.
Do nằm sâu trong khối không khí lạnh nên từ đêm 2 đến ngày 3-11, nhiệt độ tại thành phố Hà Nội giảm thêm khoảng 1 độ C, mức thấp nhất phổ biến 19-21 độ C; vùng núi các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì 18-20 độ C.
Đặc biệt, từ ngày 4 đến 6-11, bộ phận không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh hơn, kết hợp với hội tụ gió Đông Nam trên cao; Hà Nội mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; nhiệt độ giảm tới ngưỡng rét về đêm và sáng.
Các nơi còn lại của miền Bắc, từ đêm nay, thời tiết lạnh về đêm và sáng, vùng núi rét; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C, vùng núi 16-19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 15 độ C.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc và Trung miền Trung, từ ngày 3 đến 5-11, có khả năng xảy ra một đợt mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi cao hơn 300mm; trong đó, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi cao hơn 500mm.
Từ ngày 6-11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có thể còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại những vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc...
Trước nhận định trên, chiều tối 1-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định và bộ, ngành liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, bão số 6, nhất là tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng; chủ động thu hoạch sớm diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, sơ tán người dân sinh sống tại những khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống...