Văn hóa

Bố trí nguồn lực trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá trong phát triển văn hóa

Đình Hiệp 01/11/2024 - 14:50

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nhiều đại biểu cho rằng cần rà soát việc bố trí nguồn lực trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra đột phá trong phát triển văn hóa.

Lo ngại việc “làm mới” di tích sau khi tu bổ, tôn tạo

viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu quan tâm đến mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với đặc điểm vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa, trải qua nhiều năm, với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và cả của con người nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, không phải tất cả di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ.

Đại biểu thông tin, trong giai đoạn 2012-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với mục tiêu cụ thể là "Hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1.200-1.500 di tích quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện chống xuống cấp, tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, chương trình quốc gia".

Sau đó, các địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích. Như vậy, hiện nay không phải tất các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo cho nên nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến 2 lo ngại: Một là việc tu bổ, tôn tạo triệt để như vậy sẽ có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ và "lợi bất cập hại" ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành "làm mới" di tích như đã từng xảy ra. Hai là việc phân bổ nguồn lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm.

dai-bieu-1(3).jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 1-11. Ảnh: quochoi.vn

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo. Các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo.

suu.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị, Chính phủ làm rõ số liệu và tính khả thi đối với mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo".

"Từ phương diện di tích, tôi đề nghị phải có những rà soát, đánh giá kỹ lưỡng số liệu, hiện trạng di tích, di sản và các nội dung đưa vào mục tiêu cụ thể để không chỉ bảo đảm tính bao quát mà còn thể hiện được tính dự báo về cả các di tích, di sản có thể được xếp hạng và cả nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản được nâng hạng, nhất là hạng đặc biệt", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến.

nguyen-anh-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá cao ý nghĩa cũng như mục đích của chương trình với 2 giai đoạn năm 2025-2035, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến ngân sách, kinh phí phân bổ chương trình trong từng giai đoạn, với tổng số hơn 256 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu số kinh phí trên là hợp lý để thực hiện được 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể, khi hoàn thành Chương trình sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa và nhiều giá trị khác khó đong đếm được.

Đối với cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội, trong đó chủ thể là nhân dân, lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, người thực hành văn hóa tại các cộng đồng địa phương.

Xây dựng 3 đến 5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Trả lời làm rõ một số nội dung liên quan đến cả văn hóa và giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong quá trình xây dựng chương trình, các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ, đặc biệt các nội dung liên quan đến giáo dục văn hóa trong nhà trường. Trong đó có mục tiêu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

nguyen-kim-son.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

“Đây là nội dung quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai trong các nhà trường trên cả nước thời gian qua với nhiều giải pháp cụ thể. Các địa phương đã giáo dục về văn hóa truyền thống, dạy cho học sinh các nhạc cụ dân tộc mình, rồi giáo dục văn hóa địa phương qua nghệ thuật. Tuy nhiên, để cân nhắc tính khả thi của mục tiêu 100% thì Bộ sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định sẽ phối hợp cơ quan thẩm tra của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

nguyen-van-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tiếp thu. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về chỉ tiêu tôn tạo di tích. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ngay và chỉnh lý, viết thẳng số lượng di tích xuống cấp để làm, không đưa chỉ tiêu 95% như dự thảo.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm tới đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài. Đồng thời khẳng định, chủ trương xây dựng trung tâm văn hóa ở các nước là xu hướng thế giới, góp phần giới thiệu, lan tỏa văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân nhắc, lựa chọn xây dựng các trung tâm văn hóa tại quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam; có đông đảo người Việt Nam sinh sống, công tác; các đối tác dẫn đầu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

daih-bieu-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 1-11. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài phải căn cứ trên nhiều yếu tố. Chính phủ cân nhắc sẽ mở 3-5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.