Văn hóa

Huy động hơn 256 nghìn tỷ đồng để phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Đình Hiệp 01/11/2024 - 11:50

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng và giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

van-hoa-1.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP

Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

ba-thanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); bao gồm vốn đầu tư phát triển 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 12.250 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng.

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, giai đoạn 2025-2035, chia làm các giai đoạn. Trong đó, năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn ...

ong-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Còn giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Chương trình đề ra 7 mục tiêu tổng quát và đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, bảo đảm vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn.

Phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; 100% đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: Phấn đấu 90% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện. Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia…

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, như: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả…

Bố trí nguồn lực của Chương trình trọng tâm, trọng điểm, khả thi

dac-vinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu của Chương trình, song Chính phủ cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Mục tiêu số 5 phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Mục tiêu cụ thể số 6 là 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

dai-bieu-vh.jpg
Các đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 1-11. Ảnh: quochoi.vn

“Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tốt hơn cho nhân dân”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu.

Đối với tổng mức đầu tư, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Nguồn vốn ngân sách địa phương, Ủy ban cơ bản nhất trí với giải trình về các vấn đề liên quan đến vốn ngân sách địa phương; đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.