Phòng cháy chữa cháy

Tách riêng quy định phòng cháy với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Đình Hiệp 01/11/2024 10:00

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20).

ct.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Bổ sung quy định về trách nhiệm chủ đầu tư, chủ cơ sở

So với dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý có 59 điều (giảm 6 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng và lược bỏ 1 điều về xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC). Nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận, thống nhất giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

tan-toi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để bảo đảm thống nhất với các nội dung được quy định trong dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật khác.

Về trách nhiệm PCCC, CNCH, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng như chủ đầu tư, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình trong chuẩn bị các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PCCC.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, CNCH, bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về phòng cháy, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

dai-bieu-1(1).jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 1-11. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời, phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 54 đã giao các Bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất… trong dự thảo Luật này” - ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy

Thảo luận tại hội trường về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh tại Điều 20 và phòng cháy đối với cơ sở tại Điều 22, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.

Do đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

dai-bieu.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 1-11. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở; bổ sung các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, các năm qua, số lượng vụ cháy không ngừng gia tăng, đặc biệt là đám cháy xảy ra ở khu dân cư đông người ngày càng nguy hiểm khi dễ dàng lan rộng. Hậu quả cháy, nổ gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kéo theo nhiều hệ lụy.

duong-khac-mai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Để dập tắt đám cháy, cần huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; sau đó là tổ chức cấp cứu người bị nạn, huy động giúp đỡ người thiệt hại ổn định đời sống, kịp thời phục vụ sản xuất và nhiều vấn đề khác nhằm khắc phục hậu quả.

“Nếu đám cháy lớn như cháy rừng, cháy, nổ kho nguyên liệu thì mức độ ảnh hưởng sẽ là cấp số nhân đối với nền kinh tế địa phương, quốc gia. Vì thế, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn văn dự thảo Luật để bổ sung thành tố này” - đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị.

vu-hong-luyen.jpg
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng, bởi đây là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Đáng chú ý, nhiều chung cư được xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng đã bị hư hỏng hoặc phải sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Với lý lẽ trên, đại biểu cho rằng cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

nguyen-lam-thanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Từ thực tế thời gian qua xuất hiện khá nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, những nội dung liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa cháy nổ.

Đại biểu đánh giá, nội dung về PCCC tại các điều từ Điều 15 đến Điều 20 khá đầy đủ, song các vụ cháy hiện nay thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với các trang thiết bị chữa cháy hiện đang sử dụng, các lực lượng rất khó tiếp cận hiện trường để chữa cháy. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy.