Doanh nghiệp Hà Nội tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài: Nhiều giải pháp hỗ trợ
Thông qua các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, hàng hóa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên thế giới.
Đây đang là một trong những cách thức hiệu quả để doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam ra nước ngoài. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp...
Doanh nghiệp kết nối giao thương
Tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài được xem là giải pháp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù đã nỗ lực nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tại Hà Nội, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu. Cho đến gần đây, việc này đã có tiến triển hơn nhưng vẫn cần sự trợ lực từ cơ quan quản lý, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.
Thực tế, với sự hỗ trợ của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, như AEON, Central Retail, Walmart…, cơ hội để các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài ngày càng nhiều.
Câu chuyện của Tập đoàn AEON Nhật Bản là ví dụ. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025, tập đoàn này đã chủ động tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thường niên tại Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và AEON Mall Long Biên. Thông qua hội chợ, bộ phận thu mua của AEON khảo sát, lựa chọn sản phẩm phù hợp. Doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp của hệ thống AEON.
Cũng là đơn vị tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi mạng lưới phân phối nước ngoài, Tập đoàn Central Retail đã triển khai thường xuyên chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Paul Le cho biết, tại hệ thống siêu thị Tops của Central Retail Thái Lan, nhiều mặt hàng Việt Nam được ưa chuộng như: Nhãn, thanh long, phở, bún, cà phê, chè…
Tuy nhiên, để trở thành nhà cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại không dễ, cần phải đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng. Bà Nguyễn Thị Trang, đại diện Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản chia sẻ, yêu cầu của các nhà phân phối lớn ngày càng cao và khắt khe hơn. Song đây là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, quy trình sản xuất, chiến lược kinh doanh, cải tiến chất lượng, mẫu mã.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Đánh giá việc tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài là giải pháp xuất khẩu hàng Việt trực tiếp, mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, nội dung quan trọng của đề án là xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hà Nội với các mạng lưới phân phối nước ngoài, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo cho trên 100 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp về tiêu chuẩn, quy trình cung ứng hàng hóa, thành phố nên nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội chủ động phát triển hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài. Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, qua hoạt động kết nối, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt yêu cầu, chủ động nâng cao năng lực kinh doanh, chất lượng sản phẩm một cách bài bản, sẵn sàng tiếp cận hệ thống phân phối của nước ngoài khi có cơ hội.
Với việc triển khai đề án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài, mà còn mong muốn hướng đến mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bài bản, bền vững.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương:
Doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội
Tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, với 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản. Nông sản Việt Nam có chất lượng được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tin dùng. Vì vậy, Tập đoàn AEON luôn mong muốn đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vào bày bán tại các siêu thị AEON ở Việt Nam, từ đó mở rộng ra các siêu thị AEON ở Đông Nam Á cũng như hệ thống AEON ở Nhật Bản. Tuy nhiên, AEON có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng, như: Xác định nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất của nhà máy, quy định chất lượng từng sản phẩm, tồn dư hóa chất nông nghiệp, chất kháng sinh… Để trở thành nhà sản xuất của AEON, các doanh nghiệp Việt Nam còn cần tuân thủ 2 tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn đánh giá về trách nhiệm xã hội về nhận quyền, điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn đánh giá nhà máy về trang thiết bị đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tăng sức cạnh tranh
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, song hiện nay, đa số hàng hóa của Việt Nam vẫn phải qua doanh nghiệp trung gian trước khi vào các kênh phân phối. Trước đây, doanh nghiệp sản xuất vẫn bán hàng hóa cho các nhà nhập khẩu, sau đó mới bán cho các nhà bán lẻ nên phải chịu chiết khấu chi phí. Nếu đưa hàng hóa vào thẳng các kênh phân phối của nước ngoài, cơ hội để hàng Việt Nam được bán với thương hiệu Việt Nam cũng rất lớn.
Do đó, nếu tiếp xúc được với các chuỗi bán lẻ lớn như AEON, Walmart, Amazon, Central Retail… doanh nghiệp sẽ cắt giảm các khâu trung gian trong xuất khẩu và tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tất cả những điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được chuỗi phân phối của doanh nghiệp nước ngoài không dễ dàng chỉ sau một kỳ hội chợ. Doanh nghiệp Việt Nam cần có năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự đa dạng về mẫu mã, ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh, đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sạch…
Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân:
Cần sự tham gia của các tổ chức tài chính
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần truy xuất nguồn gốc, qua đó bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nhà bán hàng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đó còn ít hơn nhiều so với mong muốn.
Để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng hàng hóa. Quan trọng hơn, rất cần sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để nâng cấp thiết bị, nhà xưởng, đổi mới công nghệ... Trước mắt, doanh nghiệp chú trọng chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, bao bì sản phẩm phải dễ đọc, dễ nhớ và chú ý đến cả màu sắc, câu chuyện của sản phẩm.
Quang Minh ghi