Miền Bắc chịu đợt mưa, rét đầu tiên của mùa đông năm nay
Đầu tháng 11, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu đợt mưa, rét đầu tiên của mùa đông năm nay. Miền Trung xuất hiện mưa lũ lớn trên diện rộng.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (31-10) và sớm mai, thành phố Hà Nội không mưa, thời tiết lạnh, nhiệt độ dao động 20-24 độ C. Trưa và chiều mai (1-11), Hà Nội nắng oi, nhiệt độ cao nhất phổ biến 30-32 độ C.
Khoảng chiều tối và đêm mai, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc sẽ ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội. Vì vậy đêm 1 và sáng 2-11, thành phố Hà Nội không mưa, gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C, vùng núi 19-21 độ C.
Các nơi còn lại của miền Bắc sẽ lạnh về đêm và sáng sớm, riêng vùng núi rét; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-21 độ C, vùng núi 15-18 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 15 độ C.
Đặc biệt, do ảnh hưởng đợt không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh, kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ đêm 4-11, Hà Nội mưa, mưa rào, có nơi mưa to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh. Thời tiết Hà Nội chuyển rét từ ngày 5-11, nhiệt độ thấp nhất ở mức 16-17 độ C.
Trao đổi với phóng viên chiều tối 31-10 về tình hình thời tiết những ngày tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, từ khoảng đêm 4-11 trở đi, miền Bắc có thể xảy ra đợt rét đầu tiên của mùa Đông năm 2024-2025...
Đặc biệt tại miền Trung, từ ngày 3 đến 10-11 có thể mưa lớn, gây lũ lớn trên sông, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất. Sau ngày 10-11, miền Trung có khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn...
Trước nhận định trên, chiều tối 31-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố miền Trung và bộ, ngành liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 6 gây ra; chủ động thu hoạch sớm diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Cùng với nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố chủ động vận hành hồ chứa bảo đảm dung tích đón lũ theo quy định; rà soát phương án bảo đảm an toàn giao thông, nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính...