Đối ngoại

Việt Nam tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 31/10/2024 - 17:04

Chiều 31-10, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

img_1136(1).jpg
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại họp báo chiều 31-10-2024. Ảnh: Hoàng Linh

Bình luận trước phản ứng của Trung Quốc về quan điểm của Việt Nam liên quan tới vụ việc tàu cá Việt Nam trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước phụ cận. Điều này đã được Việt Nam nhắc lại, khẳng định nhiều lần".

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, việc lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng hải cảnh của Trung Quốc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền và lợi ích cơ bản, chính đáng của ngư dân Việt Nam.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thưởng thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ.

Liên quan tới thông tin Trung Quốc triển khai thiết bị quân sự trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này và mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Cũng theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam hết sức quan tâm và liên tục trao đổi, phản đối tới các cơ quan chức năng của Trung Quốc trước mọi hành động bắt giữ tàu cá và ngư dân của Việt Nam trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Trả lời đề nghị bình luận về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và khối BRICS, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang, và sẽ tiếp tục đóng góp có trách nhiệm và tích cực vào các cơ chế và diễn đàn đa phương, đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Việt Nam".

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm: "Việt Nam sẽ nghiên cứu các thông tin về quy chế của BRICS và việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích và điều kiện, khả năng của Việt Nam. Điều này cũng thể hiện đường lối nhất quán về đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.