Hà Nội kết nối

Ngành Logistics Việt Nam nỗ lực chuyển đổi để bứt phá

Minh Tuấn 31/10/2024 13:00

Tốc độ phát triển hằng năm của ngành Logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Dù vậy, ngành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế...

lgt-btc.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Sáng 31-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 do báo Đầu Tư tổ chức khai mạc với chủ đề: “Chuyển đổi để bứt phá”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho hay, tốc độ phát triển hằng năm của ngành Logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động. Dù vậy, ngành Logistics của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, chính sách, thể chế đối với ngành còn thiếu, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics chưa đồng bộ, còn hạn chế...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh...

btc.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: BTC

Trước những thách thức đó, ông Đỗ Thành Trung cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Song song đó, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Trong đó, hạ tầng là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành này.

cl4.jpg
Cảng Cát Lái đảm nhận trên 1/3 lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu của cả nước. Ảnh: M.Tuấn

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu chia sẻ, hiện Việt Nam có hơn 17.000km đường thủy nội địa, trong đó Trung ương quản lý hơn 7.000km, các địa phương quản lý hơn 10.000km. Về phương tiện thủy nội địa, có hơn 270.000 phương tiện, hơn 3.000 phương tiện vận tải sông biển. Có thể khẳng định đây là những con số ấn tượng, góp phần giảm chi phí logistics hiện nay. Vấn đề là cần kết nối đồng bộ hệ thống đường thuỷ với hệ thống cảng biển và đường bộ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng đường thủy, bởi hiện nay, chi phí đầu tư công vào hạ tầng đường thủy chiến chưa đến 2% đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, trong khi hằng năm, đường thủy nội địa đảm nhận vận chuyển khoảng 20% tổng lượng hàng hóa.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, ngành Logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá. Tuy nhiên, điểm nghẽn cố hữu vẫn là chậm trễ và chi phí cao. Do đó, chuyển đổi để bứt phá là điều được nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, minh bạch nguồn gốc…

Với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”, Hội nghị sẽ có 2 phiên thảo luận. Phiên 1 với chủ đề: “Đối diện những thách thức mới”, phân tích các xu hướng mới và biến động toàn cầu; thách thức cơ sở hạ tầng logistics; đứt gãy và an ninh chuỗi cung ứng. Phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” thảo luận về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh; tái cấu trúc chuỗi cung ứng gắn với phát triển xanh, bền vững…