Bài 3: Lấy một, phá mười

Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 31/10/2024

Lãng phí và tham nhũng có mối quan hệ đặc biệt. Tham nhũng là lấy, lãng phí là phá, tham nhũng là phần nổi, lãng phí là phần chìm. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tham lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”. Người thường nhắc nhở, không phải chỉ có giặc ngoại xâm mới làm dân ta mất nước, mà dân ta mất nước cũng có thể vì “giặc nội xâm”.
cover3-lang-phib2.jpg

Lãng phí và tham nhũng được xem là những chiếc bình thông nhau. Tham nhũng là lấy, lãng phí là phá; tham nhũng là phần nổi, lãng phí là phần chìm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”. Người thường nhắc nhở, không phải chỉ có giặc ngoại xâm mới làm dân ta mất nước, mà dân ta mất nước cũng có thể vì “giặc nội xâm”. Là “anh em” với tham nhũng, lãng phí không chỉ như căn bệnh ung thư di căn trong lòng xã hội, tàn phá nguồn lực phát triển, tạo những điểm nóng bức xúc, mà còn hủy hoại lòng tin của người dân với Đảng và các cấp chính quyền. Do vậy, chống lãng phí chính là chống “giặc nội xâm”.

tit-phu1-b3.jpg

Dưới góc độ quản trị xã hội, lãng phí - một khuyết tật trong quản lý - có mối liên hệ tự nhiên với tham nhũng và tiêu cực. Tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu “là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng”. Các tệ nạn này biểu hiện trong đời sống xã hội dưới nhiều dạng khác nhau. Tham ô, tham nhũng là “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”... Còn lãng phí là “lãng phí sức lao động”, “lãng phí thời giờ”, “lãng phí tiền của”, “lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Nhà nước và có khi còn tai hại hơn nạn tham ô”.

z5978423077924_43196ccb05fe8bf9b3dcf62a860dbb0a.jpg
Dự án khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: Hoàng Sơn
khu-do-thi-lideco-khu-do-thi-bac-quoc-lo-32-nam-tren-truc-quoc-lo-32-thuoc-thi-tran-tram-troi-huyen-hoai-duc-ha-noi-nhieu-can-ho-bi-bo-hoang-gay-lang-phi-3-.jpg
Khu đô thị Lideco thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội), nhiều căn hộ bị bỏ hoang gây lãng phí. Ảnh: Vân Anh

Không khó để nhận diện lãng phí, bởi nó hiện hữu ngay xung quanh chúng ta, có thể ở ngay trong mỗi con người. Đó là chi cho những việc không đáng chi và chi ở những mức không đáng chi; là việc sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia, cơ quan, đơn vị và của từng gia đình hay từng cá nhân… Dễ nhìn ra nhất là những dự án “treo”, quy hoạch “treo”… Thậm chí, lãng phí xuất hiện ngay trong tư duy của mỗi con người thông qua các biểu hiện lệch lạc như thói xa hoa, phô trương hình thức, vung tay quá trán, sống hôm nay không biết ngày mai. Vì mức độ phổ biến, dễ mắc mà lãng phí được xem là nguy hại như căn bệnh tham nhũng, thậm chí còn nguy hiểm hơn tham nhũng. Bởi ở một góc độ nhất định, tài sản tham nhũng có thể thu hồi được, nhưng lãng phí làm thất thoát, mất mát tiền của, thời gian… mà không có khả năng thu hồi.

Đơn cử, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 9 tháng năm 2024, riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.

z5972451763983_a5d04c7b6eceaa55fb55cedaa35718a7.jpg
Dự án chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh kéo dài hàng thập kỷ. Ảnh: Tuấn Hà

Trong khi đó, dự án chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh qua 2 nhiệm kỳ, dân vẫn chịu ngập lụt; 2 bệnh viện được Nhà nước đầu tư hàng chục năm chưa đưa vào sử dụng, là những điển hình về lãng phí đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập trong phiên thảo luận chiều 26-10 tại Quốc hội.

Hay như dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội với số vốn gần 7.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2010 đến 2015 hoàn thành. Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, nhiều hạng mục của dự án vẫn ngổn ngang, dang dở, gây lãng phí tiền của của Nhà nước.

Ngoài ra, còn hàng nghìn dự án chậm tiến độ; hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu; hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư; hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí… mà Quốc hội đã giám sát và chỉ rõ thời gian qua, ai chịu trách nhiệm?

tit-phu2-b3.jpg

tran-ngoc(1).jpg

Về bản chất, tham nhũng là lấy, còn lãng phí chính là phá. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau, nhưng hệ lụy của lãng phí thì khôn lường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn lực của quốc gia có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm và nghiêm trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trước hết, lãng phí kìm hãm sự phát triển kinh tế. Khi nguồn lực không được phân bổ hợp lý, chi tiêu không đúng mục tiêu, tốc độ phát triển kinh tế sẽ bị chậm lại. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên trường quốc tế, kìm hãm sự thu hút đầu tư và tạo thêm áp lực về nợ công.

Thứ hai, lãng phí làm suy giảm lòng tin vào hệ thống chính trị và hành chính.

Thứ ba, lãng phí làm chậm quá trình phát triển hạ tầng và xã hội. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng như đường bộ, cầu cống, trường học, bệnh viện có thể bị trì hoãn hoặc không hoàn thành đúng tiến độ do lãng phí trong quá trình thực hiện. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng dịch vụ công, mà còn tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội, kìm hãm sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Thứ tư, lãng phí làm tăng gánh nặng nợ công. Khi nguồn lực tài chính công bị lãng phí, các khoản đầu tư không hiệu quả, khiến quốc gia phải vay thêm để bù đắp, dẫn đến tăng gánh nặng nợ công.

Thứ năm, lãng phí cản trở cải cách và phát triển thể chế. Điều này có thể gây khó khăn cho các nỗ lực cải cách, bởi vì những nguồn lực bị lãng phí không được sử dụng để cải thiện hệ thống pháp luật và quản lý hành chính. Nếu không khắc phục được, sự lãng phí có thể duy trì các lỗ hổng trong quản trị, làm cho quá trình cải cách và phát triển thể chế trở nên khó khăn hơn.

Thứ sáu, lãng phí gây ra bất bình đẳng xã hội. Lãng phí có thể góp phần tạo ra sự bất bình đẳng, vì các nguồn lực đáng ra được phân bổ để cải thiện dịch vụ công hoặc hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội lại bị sử dụng không hiệu quả. Sự lãng phí trong việc cung cấp phúc lợi xã hội hoặc dịch vụ công có thể khiến các nhóm dân cư yếu thế càng trở nên dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và gây mất cân đối trong phát triển.

Thứ bảy, lãng phí ảnh hưởng đến môi trường. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như đất đai, nước và năng lượng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Khi tài nguyên bị sử dụng một cách bừa bãi hoặc không bền vững, không chỉ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, mà còn làm mất đi cơ hội phát triển các ngành kinh tế xanh và bền vững.

box-nguyen-sy-dung-2.jpg
tit-phu3-b3.jpg

Những phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia cho thấy, lãng phí để lại nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, "lãng phí" trong đầu cơ bất động sản dẫn đến tình trạng, người có tiền cứ mua nhà đất để đấy, trong khi người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh thì không thể tiếp cận đất đai. Tiền cứ chảy vào bất động sản mà không đưa vào lao động, sản xuất, gây lãng phí nguồn lực xã hội, thậm chí về lâu dài có thể gây bất ổn xã hội.

Vấn đề nhức nhối khác, đó là các quy hoạch “treo”. Thực tế tại Hà Nội, tình trạng quy hoạch “treo” đang diễn ra rất phổ biến, gây không ít khó khăn và phiền toái cho người dân. Đáng nói là, quy hoạch không chỉ chồng lấn lên nhau, mà còn tồn tại một cách dai dẳng không có biện pháp tháo gỡ triệt để. Nhiều khu vực nằm trong quy hoạch, nhưng dự án không được triển khai. Trong khi đó, nếu dự án được thực hiện, người dân có thể được đền bù thỏa đáng để di chuyển đến nơi khác, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, tình trạng quy hoạch “treo” đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân, gây ra sự bức xúc và bất an kéo dài. Đời sống của những người dân trong các khu vực này bị bó buộc, phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Những khu vực nằm trong quy hoạch treo không chỉ khiến người dân không thể ổn định cuộc sống, mà còn cản trở sự phát triển của địa phương, gây lãng phí rất lớn về tiềm năng đất đai và nguồn lực xã hội.

Một minh chứng khác mà lãng phí gây ra thiệt hại không đo đếm được là nhiều khu tái định cư được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng lại không có người sinh sống do không đáp ứng được các tiêu chí về hạ tầng và tiện ích. Hàng ngàn mét vuông đất đai nằm hoang hóa, trong khi người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, bấp bênh. Thêm vào đó, những khu đất dịch vụ, dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng, vẫn chưa được giao trả cho người dân sau cả thập kỷ. Điển hình là giao đất dịch vụ ở huyện Mê Linh, có những dự án đã giải phóng xong mặt bằng 18-20 năm nay, nhưng hơn 5.000 hộ dân vẫn chưa thấy bóng dáng “mảnh đất hứa”. Sự trì trệ này không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất đai, mà còn khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền và các chính sách của Nhà nước…

doan-anh-tri.jpg
tit-phu4-b3(1).jpg

Có một số nguyên nhân chính khiến căn bệnh lãng phí trong khu vực công vẫn chưa được xử lý triệt để, dù chúng ta đã rất nỗ lực khắc phục. Đó là kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm; nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; một số nơi chưa đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, không kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ ra rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lãng phí là hệ thống pháp luật và cơ chế kiểm soát chưa hoàn thiện. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật và quy định về phòng, chống lãng phí, nhưng hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, không đủ rõ ràng và cụ thể, khiến cho việc thực thi chưa đạt hiệu quả cao. Các quy định về kiểm soát chi tiêu công, giám sát và chế tài xử lý còn chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu trách nhiệm giải trình. Ở nhiều cơ quan, việc phân cấp, phân quyền chưa đi kèm với trách nhiệm giải trình minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức không cảm thấy áp lực phải chịu trách nhiệm cho các hành vi lãng phí, từ đó thiếu sự quyết tâm trong việc phòng, chống. Nguyên nhân thứ ba là thiếu chế tài và biện pháp xử lý nghiêm khắc. Một số trường hợp lãng phí không bị xử lý một cách nghiêm minh hoặc các biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe. Điều này làm giảm hiệu quả của các nỗ lực phòng, chống lãng phí và thậm chí có thể dẫn đến tái diễn tình trạng này. Trong khi đó, cơ chế giám sát còn yếu. Các cơ quan giám sát như kiểm toán, thanh tra, cơ quan dân cử và báo chí đôi khi chưa thể hoạt động độc lập hoặc chưa đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn lãng phí.

Nguyên nhân thứ tư là văn hóa và tư duy lãng phí chưa thay đổi. Tại nhiều nơi, lãng phí đã trở thành một "thói quen" khó thay đổi. Tư duy "không phải tiền của mình" khiến cán bộ, công chức thiếu ý thức tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn lực công. Văn hóa quản lý và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả chưa được thúc đẩy mạnh mẽ. Nguyên nhân thứ năm là tư lợi và nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích hoặc cá nhân có quyền lợi liên quan đến việc chi tiêu ngân sách công thường có động lực để duy trì các kênh lãng phí, làm cho các nỗ lực phòng, chống gặp khó khăn.

“Những nguyên nhân này đòi hỏi sự cải cách toàn diện từ việc xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm giải trình, và thay đổi tư duy trong quản lý công, mới có thể giải quyết triệt để vấn đề lãng phí”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất.

XEM TIẾP

Nhóm phóng viên