Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với nhiều điểm mới, đột phá sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học và công nghệ
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thay thế cho Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 để thể chế hóa tất cả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành các quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc đầu tiên là phải hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư từ xã hội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả, tính tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; phát triển đội ngũ trí thức...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án Luật này, sẽ có một sự thay đổi căn bản về cách nhìn nhận, đối tượng điều chỉnh. Trước đây, Luật Khoa học và Công nghệ chủ yếu là sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị công lập để làm dự án, đề tài nghiên cứu thì trong dự án Luật lần này sẽ tập trung vào vấn đề xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học và công nghệ. Điều này giúp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tạo điều kiện và được thực hiện chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình hấp thu công nghệ, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Đấy là hành lang pháp lý quan trọng nhất để cho doanh nghiệp được quyền sử dụng chính kinh phí của mình cho việc tìm hiểu, mua tri thức, mua bí quyết công nghệ để trở thành năng lực nội sinh của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ ở khu vực ngoài công lập
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, hồ sơ Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Bộ đang chủ trì xây dựng có một số điểm mới nổi bật.
Theo đó, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ là hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mà bổ sung thêm nội hàm “đổi mới sáng tạo”, với mong muốn thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thị trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này thì hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ tập trung cho khu vực công lập mà đẩy mạnh ra khu vực ngoài công lập với việc thu hút nguồn lực đầu tư ngoài xã hội thông qua một số cơ chế, chính sách để đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, kết nối hoạt động nghiên cứu từ viện nghiên cứu, trường đại học.
Luật sửa đổi lần này sẽ mở rộng nhân lực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sang cả khu vực công lập (nhân lực quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu sau tiến sĩ; nghiên cứu sinh; học viên cao học) và ngoài công lập (nhà khoa học không chuyên, nhà nghiên cứu độc lập, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động khoa học ở Việt Nam...). Đồng thời, bổ sung quy định cơ chế đặc thù cho phép nhà khoa học là viên chức các đơn vị nghiên cứu được làm việc tại doanh nghiệp do đơn vị nghiên cứu đó thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp; khuyến khích nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ viện nghiên cứu, trường đại học ngắn hạn và thường xuyên trong các doanh nghiệp phù hợp theo chu kỳ bảo đảm tính theo kịp thực tiễn của giảng viên, nhà khoa học với thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, dự kiến Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu và trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, bổ sung các ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp; tăng cường kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học. Hình thành một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ; hoàn thiện quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước có đối tượng tham gia là doanh nghiệp...
“So với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, về cơ bản phạm vi điều chỉnh dự kiến vẫn là các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng đối tượng điều chỉnh của Luật sẽ tập trung hơn vào hoạt động này ở khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, doanh nghiệp là một trong những chủ thể được quan tâm đặc biệt, với vai trò là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết.