Tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Trải qua 15 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đầu tiên của Việt Nam, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, chính sách bảo hiểm y tế của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12-2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.
Chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế vẫn còn bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho thực hiện và giám sát; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa đồng đều tại các vùng miền. Một số doanh nghiệp còn chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm y tế. Sự thiếu hụt thuốc và vật tư y tế cùng với các khó khăn trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã làm giảm hiệu quả của hệ thống bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một số cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn trong cung cấp dịch vụ chất lượng do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất không đạt chuẩn và tình trạng quá tải bệnh nhân làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống y tế công, ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm y tế.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, việc Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào nghị trình lần này để thảo luận được dư luận quan tâm. Trong đó, nội dung được nhiều người chú ý là hướng đến bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau.
Trong đó, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Thực tế cho thấy, để xây dựng chính sách về bảo hiểm y tế thực sự bảo đảm quyền lợi và sức khỏe cho người dân, việc thảo luận kỹ lưỡng dự thảo luật để sớm thông qua là hết sức cần thiết. Qua đó, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm y tế để tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ.
Để tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, việc đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế và cách thức tham gia nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Cùng với đó, cần mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng yếu thế; nghiên cứu triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người lao động tự do tham gia bảo hiểm y tế.
Đặc biệt là cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ... Với những giải pháp đồng bộ trên sẽ góp phần xây dựng một hệ thống bảo hiểm y tế hiệu quả và bền vững, bảo đảm quyền lợi cho người dân.